TIN TỨC - SỰ KIỆN
CĐS
Trong thời bình, người lính Viettel luôn mang trong mình ngọn lửa khát vọng, làm việc với tinh thần thời chiến trên mặt trận kinh tế để dựng nên một Viettel lớn mạnh, phụng sự đất nước ngày càng mạnh giàu.
* Từ chiến tranh đến hòa bình, Viettel khẳng định vai trò tiên phong trong bảo đảm an ninh và kết nối cộng đồng.
Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), một dấu mốc quan trọng trong lịch sử, Viettel không chỉ dừng lại ở vai trò một tập đoàn viễn thông hàng đầu mà còn là biểu tượng của lòng dũng cảm, sự kiên cường và sẵn sàng cống hiến vì cộng đồng. Với những câu chuyện về sự can đảm của những người lính thông tin trong chiến tranh đến sự nỗ lực người lính Viettel trong thời bình đã viết nên trang sử đầy tự hào và thuyết phục:
- Về đảm bảo an toàn thông tin
Người lính Viettel đã chiến đấu trên một mặt trận không có tiếng súng nhưng không kém phần cam go, quyết liệt để đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân trong cơn bão Yagi
Yagi là cơn bão nhiệt đới mạnh nhất châu Á và thứ 2 thế giới trong năm 2024. Đây cũng là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực biển Đông .Với siêu bão Yagi, hạ tầng mạng lưới và hoạt động sản xuất kinh doanh của Viettel đã phải đương đầu với một trận cuồng phong chưa từng có trong lịch sử. Với tấm lòng, ý chí và bản lĩnh của người Viettel, 8000 nhan viên Viettel chia làm 500 đội đã lập tức ra quân, quyết tâm vượt qua thử thách, tổ chức lực lượng bài bản, nhanh chóng khôi phục mạng lưới cho các vị trí trọng yếu để thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ, khôi phục dịch vụ đảm bảo thông tin cho hàng triệu người dân trong lúc màn trời chiếu đất. Theo ông Tào Đức Thắng, Tổng Giám đốc Viettel: “Chúng tôi hiểu rằng trong những thời điểm khó khăn, mỗi kết nối chúng tôi cung cấp có thể cứu rỗi một cuộc đời.”
- 2 phi công gặp nạn khi máy bay rơi đã được giải cứu sau 10 tiếng nhờ sự nỗ lực và quyết tâm của những người lính Viettel
Máy bay Yak-130 (số hiệu 210 D) Trung đoàn Không quân 940, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức ban bay huấn luyện tại sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định).
Máy bay cất cánh lúc 9h55 ngày 6/11. Lúc 10h38 khi kết thúc bài bay về hạ cánh, phi công báo cáo tình trạng máy bay thả càng không ra, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý tình huống thả càng khẩn cấp nhưng vẫn không được.
Phi công đã báo cáo chỉ huy bay và được phép nhảy dù. Hai phi công đã nhảy dù lúc 10h51 tại khu vực Trường bắn TB2, huyện Tây Sơn (Bình Định).
Được sự chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo Tập đoàn, những người lính Viettel ngay lập tức triển khai các phương án để tìm kiếm, khoanh vùng 2 phi công gặp nạn. Qua rà soát, đã phát hiện ra khu vực nghi ngờ phi công thực hiện nhảy dù. Tuy nhiên, do địa hình vùng đồi núi Tây Sơn, Bình Định rộng, hiểm trở, nhiều vực sâu gây rất nhiều khó khăn cho công tác xác định vị trí trạm phát sóng phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Viettel đã phải thực hiện xoay chỉnh hướng và góc ngẩng anten, tăng công suất phát tối đa của các trạm phục vụ trong khu vực, đồng thời tận dụng các giải pháp phát sóng băng tần thấp để ưu tiên tập trung tăng cường hướng phủ sóng vào khu vực vùng đồi núi và vị trí nghi ngờ phi công đáp trước đó. Đoàn chủ động tăng công suất phát sóng lên 4 lần, đồng thời hiệu chỉnh góc ngẩng của anten, vùng phủ mở rộng lên 5 - 7 lần so với trước, đồng thời phủ 4G lên những khu vực đồi núi cao xung quanh.
Áp lực chạy đua với thời gian rất nặng đặt lên vai những người lính Viettel tham gia cứu nạn. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà Nước, Quân đội, Nhân dân cả nước và đặc biệt là gia đình phi công đều dành tất cả sự quan tâm, tình cảm, hy vọng xen lẫn lo lắng, hồi hộp theo dõi từng bước công tác tìm kiếm phi công.
Sau nhiều nỗ lực, cùng với sự cố gắng, không bỏ cuộc của phi công để lên đến được vùng núi cao, sau hơn 3 tiếng từ lúc rơi máy bay, đến 16h30, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, 1 trong 2 phi công đã bắt được sóng và thực hiện cuộc gọi đầu tiên. Ngay lúc đó, đoàn Viettel cũng lập tức xác định được tọa độ và tham gia tổ chức tìm kiếm. Đến 20h00 cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy Thượng tá Nguyễn Hồng Quân.
Đồng thời, nhánh thứ 2 của đoàn Viettel sau khi thực hiện các giải pháp cho nhóm trạm nghi ngờ mở rộng thì lúc 18h37, số điện thoại của phi công thứ 2 đã đổ chuông. Đoàn liên lạc được với đồng chí Nguyễn Văn Sơn và hướng dẫn đồng chí gửi tọa độ về cho ban điều hành chỉ huy, sau đó lập tức di chuyển đến tọa độ của phi công số 2, thành công cứu hộ và đảm bảo an toàn cho 2 phi công.
Phi công Nguyễn Văn Sơn (giữa) được tìm thấy trong đêm 06/11/2024
- Câu chuyện về Y Tế
“Trái tim cho em” - Hành trình 15 năm chữa lành nhịp đập cho gần 7.000 trái tim
"Trái tim cho em" là chương trình nhân đạo do Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel phối hợp với Quỹ Tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện từ năm 2008 và là một trong những dự án vì cộng đồng được duy trì dài hạn nhất tại Việt Nam.
Trải qua 15 năm hành trình hồi sinh trái tim cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, "Trái tim cho em" đã tổ chức 98 chương trình khám sàng lọc với gần 160.000 trẻ em trên cả nước được khám miễn phí. Đồng thời, với sự chung tay của cộng đồng, chương trình cũng vận động được hơn 210 tỷ đồng để thực hiện can thiệp/phẫu thuật, chữa khỏi bệnh tim bẩm sinh cho gần 7.000 bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài việc chữa trị cho các bệnh nhi, "Trái tim cho em" cũng đã tài trợ trang thiết bị cho 7 bệnh viện và trung tâm tim mạch trên toàn quốc, với mong muốn các em nhỏ sẽ được chữa trị một cách tốt nhất.
Bước sang năm thứ 16, "Trái tim cho em" sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khám sàng lọc miễn phí, bổ sung thêm nhiều hoạt động hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn như triển khai gian hàng 0 đồng tại điểm khám sàng lọc miễn phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để hỗ trợ quá trình sàng lọc hồ sơ, vận động tài trợ. Ngoài ra vẫn tiếp tục tổ chức khám sàng lọc tại địa phương, tiếp nhận hồ sơ tại hệ thống 1.200 cửa hàng Viettel trên cả nước, triển khai cho 20.000 cán bộ nhân viên Viettel tham gia trực tiếp vào công tác xác minh gia cảnh, giúp các gia đình khó khăn có con nhỏ không may mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ được "Trái tim cho em" hỗ trợ kịp thời.
Một ca phẫu thuật tim thành công sẽ giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống và giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn. Đây chính là động lực giúp Viettel và Quỹ Tấm lòng Việt nỗ lực duy trì chương trình trong suốt 15 năm qua, góp phần mang đến tương lai tươi sáng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
- Câu chuyện về chuyển đổi số
Người lính Viettel sẵn sàng đi gõ cửa từng nhà hướng dẫn bà con chuyển dịch từ công nghệ 2G lên 4G để tiếp cận công nghệ mới
Tiếp nối thông báo từ Bộ Thông tin và Truyền thông về việc sẽ dừng hoạt động mạng 2G, Viettel đã đẩy nhanh tiến độ và cung cấp giải pháp đồng bộ để người dùng không bị tụt hậu. Trong năm 2024, Viettel cam kết triển khai thêm gần 10.000 trạm phát 4G, nhằm mục tiêu mở rộng vùng phủ sóng và đảm bảo chất lượng dịch vụ tương đương mạng 2G hiện tại. Đặc biệt, người dân sinh sống tại các vùng nông thôn, biên giới và hải đảo sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ sự nâng cấp này.
Viettel không ngừng phối hợp cùng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền kế hoạch ngừng sóng 2G cũng như chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sang 4G. Trong năm 2024 Viettel đã triển khai sự kiện "Ngày hội đổi máy 4G", đã diễn ra rộng khắp 63 tỉnh thành và việc thiết lập hàng nghìn điểm bán hàng lưu động đã góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ người dân. Hơn nữa, chương trình "Xã chuyển đổi số" được triển khai tại 1.396 xã nhằm thúc đẩy việc sử dụng điện thoại thông minh và dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt..
Ngoài ra Viettel còn đưa ra mức giá ưu đãi cho điện thoại phím bấm 4G, chính sách riêng cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chính sách này mở ra cánh cửa kết nối, giúp người dùng trải nghiệm dịch vụ viễn thông hiện đại mà không phải lo lắng về chi phí.
Với thông điệp: “Tắt 2G – Không ai bị bỏ lại phía sau” Viettel khẳng định sẽ không ngừng nỗ lực, đưa ra các chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm đảm bảo người dùng có thể chuyển đổi từ 2G sang 4G một cách dễ dàng, từ đó góp phần vào việc phát triển và hiện đại hóa hạ tầng viễn thông quốc gia
- Câu chuyện về giáo dục
Hành trình để những cú click chuột mở ra thế giới cho học sinh vùng xa
Xuyên suốt 16 năm, để mỗi trường học được trang bị và đảm bảo chất lượng Internet, Viettel đã duy trì phối hợp với người của ngành giáo dục từ Bộ đến địa phương, từng nhà trường. Để Internet đến với mỗi điểm trường là trải qua quá trình nhiều bước, từ khảo sát đến lắp đặt. Trong đó, không phải nơi nào cũng dễ dàng, thuận lợi để kéo cáp quang. Có những nơi chưa có hạ tầng, xa xôi, hẻo lánh, cáp quang chưa thể kéo đến…Nhưng tất cả đều được người lính Viettel tìm ra cách giải quyết để đạt được mục tiêu. Sau khi lắp đặt, kết nối mạng xong, Viettel lại tiếp tục đào tạo và hướng dẫn giáo viên, nhân viên nhà trường cách sử dụng, cách kết nối mạng và khai thác tài nguyên trực tuyến…
Ngay từ những năm 2000, khi Viettel mới đạt được những thành quả bước đầu trong lĩnh vực viễn thông, còn rất nhiều thứ cần làm để mở rộng kinh doanh, lợi nhuận, nhưng lãnh đạo Viettel đã đặt ra mục tiêu phổ cập Internet cho 100% số trường học ở Việt Nam, điều chưa từng doanh nghiệp viễn thông, công nghệ nào dám thực hiện. Đằng sau quyết định này là mục tiêu to lớn: Đem lại cơ hội học tập bình đẳng cho mọi trẻ em Việt Nam.
Chương trình chính thức khởi động năm 2008, với hành trình 16 năm, Viettel đã cung cấp Internet cáp quang miễn phí cho 46.000 cơ sở giáo dục trên quy mô thế giới (bao gồm Việt Nam và 10 thị trường nước ngoài). Số giáo viên, học sinh và sinh viên được hỗ trợ tiếp cận Internet lên tới 25 triệu người.
Thành tựu đó đã được thế giới công nhận. Cuối tháng 9-2024, chương trình Internet trường học của Viettel được vinh danh ở vị trí top 3 trong bảng xếp hạng "Change the World" (Thay đổi thế giới) của Tạp chí Fortune.
Trong suốt 10 năm qua, bảng xếp hạng này tôn vinh các tập đoàn có đóng góp lớn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường toàn cầu. Thứ hạng của Viettel chỉ đứng sau nhóm sáng kiến liên quan đến vũ trụ của liên danh GHGSat, Rocket Lab và SpaceX, phương án giải quyết rào cản tiếp cận tài chính ở Đông Nam Á của Grab.
Với sự ra đời và bùng nổ của mạng 5G, Internet trường học hứa hẹn sẽ còn mang lại nhiều cơ hội học hành hơn nữa cho những học sinh ở nông thôn, vùng xa xôi, hẻo lánh.
Khả năng kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp của 5G là nền tảng để có thể tạo ra những thay đổi bước ngoặt hơn nữa cho việc dạy vào học trực tuyến, từ đó quyền bình đẳng trong tiếp cận giáo dục càng phát triển góp phần xây dựng đất nước phồn vinh và vững mạnh.
TIN TỨC MỞI Nhất
- Chi bộ thôn Bãi II, xã Cao Viên tổ chức đại hội chi bộ điểm, nhiệm kỳ 2025- 2027
- TỔNG KẾT HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI, NHÂN VIÊN NUÔI DƯỠNG GIỎI CẤP HỌC MẦM NON, NĂM HỌC 2024 -2025
- Chi bộ thôn Cự Đà, xã Cự Khê tổ chức Đại hội Chi bộ điểm, nhiệm kỳ 2025 -2027
- Thanh Oai khai mạc Festival nông sản, sản pham Ocop Hà Nội năm 2024
- Thanh Oai gặp mặt cán bộ cấp tá Quân đội đã nghỉ hưu, nghỉ công tác nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân
- Hội nghị đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, giải quyết TTHC lần thứ nhất năm 2024 Thực hiện Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 24/01/2024 của UBND huyện Thanh Oai về Tổ chức Hội nghị đối...
- HÀ NỘI: LÊN ĐỜI 20 QUẬN HUYỆN VÀ 5 ĐÔ THỊ TRUNG TÂM, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
- "TAM HƯNG ANH DŨNG" RÀO LÀNG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP CÀN QUÉT
- Thanh Oai: Tập huấn Sách giáo khoa môn Toán và môn Tiếng Việt cho giáo viên lớp 5
- THANH OAI: MÔ HÌNH MÁY TUỐT LÚA “0 ĐỒNG” HỖ TRỢ NÔNG DÂN THU HOẠCH LÚA MÙA