TIN TỨC - SỰ KIỆN
Xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, tại thôn Song Khê có một căn hầm bí mật từ thời kháng chiến chống Pháp, lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử hào hùng.
Xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, tại thôn Song Khê có một căn hầm bí mật từ thời kháng chiến chống Pháp, lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử hào hùng.
Thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội có khu di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa và các căn cứ địa kháng chiến thời kỳ chống thực dân Pháp. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân xã Tam Hưng đã anh dũng, kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Căn hầm địa đạo ở thôn Song Khê. Ảnh: L.K.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp bà con nhân dân đã tham gia đấu tranh cách mạng, đồng thời tổ chức thành lập hai đại đội du kích, trong đó có một trung đội "cảm tử quân".
Đặc biệt, theo sử sách ghi lại, năm 1948, một căn hầm địa đạo được xây dựng dưới lòng đất để phòng trách, đánh giặc.
Ban đầu hầm là nơi nuôi giấu cán bộ, cất trữ lương thực, sau trở thành "pháo đài" chặn đứng các cuộc càn quét của giặc.
Hầm xuất phát từ bờ ao gia đình nhà ông Xuân Thành, chạy vòng quanh làng với chiều dài 3km. Cửa chính thứ nhất nằm ở nhà ông Xuân Thành. Cửa thứ hai ở Nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực. Một cửa thông ra bờ ao vườn nhà bà Hai Khoác, thông với đường hầm nhà ông Xuân Thành, tạo thế liên hoàn dưới lòng đất.
Ông Dương Văn Giang (85 tuổi), thôn Văn Khê cho hay, trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ, nhân dân thôn Song Khê cùng các thôn trong xã rào làng kháng chiến; dùng lũy tre quanh làng làm rào rồi đặt bẫy cài chông ngăn địch.
Du kích đào hàng ngàn mét đường hầm bí mật chạy dài trong lòng đất trên các vị trí thuận lợi để tiện rút lui khi giặc tràn đến càn quét, đường hầm chạy xuyên suốt làng và thông sang các thôn khác trong xã.
Thông tin về làng kháng chiến Tam Hưng được đặt ở phía trong địa đảo để du khách, người dân có thể tìm hiểu. Ảnh: Bảo Ngọc.
Để đảm bảo tính bí mật, du kích thường dùng dao, xẻng đào hầm, đất đào xong cho vào giỏ mang đổ xuống ao, ngòi nước. Các cửa hầm thường trong nhà, góc vườn và thông ra rìa làng để có thể rút ra khỏi làng.
Căn hầm gắn liền với câu chuyện chiến đấu quả cảm của nữ du kích Phạm Thị Đe, người đã chiến đấu với địch 7 ngày liền không có cơm ăn, nước uống. Sang ngày thứ 8, giặc Pháp rút đi, bà mới ra khỏi hầm và ngất lịm.
Nhờ sự giúp đỡ của người dân Bối Khê, bà đã tỉnh lại và sau này sống thọ tới 85 tuổi. Câu chuyện về nữ du kích Phạm Thị Đe luôn được các thế hệ người dân trong làng truyền tai nhau như một minh chứng về sự kiên cường, bất khuất, anh dũng của dân tộc ta trước giặc Pháp xâm lược.
Thậm chí, khi giặc lùng sục trong làng, chúng bắt được du kích Trần Phương, ông bị bắt và tra tấn dã man. Theo ghi ghép từ các nhân chứng của Thầy giáo Kiều Văn Pháo, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Thanh Oai B, câu chuyện về du kích Trần Phương như minh chứng cho tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cách mạng và người dân Tam Hưng.
Mỗi tấc đất của làng Song Khê nói riêng và Tam Hưng nói chung đều ghi dấu những hy sinh của các thế hệ cha ông. Nay con đường cuối làng được mang tên Trần Phương để ghi nhớ và thể hiện lòng biết ơn người du kích hy sinh anh dũng trên mảnh đất quê hương.
Các vật dụng bên trong căn hầm bí mật ở thôn Song Khê. Ảnh: Bảo Ngọc.
Theo lãnh đạo huyện Thanh Oai, hiện nay các hầm kháng chiến năm xưa ở Tam Hưng và xã lân cận đều dần phủ kín, khuất lấp theo thời gian, chỉ có hầm ở chùa Bối Khê, thôn Song Khê vẫn còn giữ được một cửa và địa đạo dài khoảng 7m. Huyện Thanh Oai đã cải tạo, gìn giữ địa đạo này.
Với những giá trị độc đáo của hệ thống địa đạo và ý nghĩa lịch sử của vùng đất này, ngày 20/12/1949, tại Mỹ Đức, Mặt trận Liên Việt đã trao tặng Tam Hưng 4 chữ vàng "Tam Hưng anh dũng". Đây là vinh dự lớn mà Đảng và Chính phủ đã ghi nhận về những đóng góp của người dân Tam Hưng.
Sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã tạo nên một Tam Hưng kiên cường cách mạng. Quê hương Tam Hưng anh dũng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" (tháng 12/1995).
Đó là ghi nhận về sự đóng góp của quân dân Tam Hưng trong kháng chiến và có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục lòng tự hào lịch sử dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Theo Danviet.vn
TIN TỨC MỞI Nhất
- Chuyện ly kỳ về căn hầm địa đạo bí mật ở thôn Song Khê (Hà Nội)
- Mùng 10, Thanh Oai đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê
- Mãn nhãn với màn bắn pháo hoa trên bầu trời Thanh Oai
- Sôi động chương trình nghệ thuật Mừng Đảng- Mừng Xuân
- Lời chúc Tết Xuân Ất Tỵ 2025 của đồng chí Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Sáng
- Hội nghị đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, giải quyết TTHC lần thứ nhất năm 2024 Thực hiện Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 24/01/2024 của UBND huyện Thanh Oai về Tổ chức Hội nghị đối...
- HÀ NỘI: LÊN ĐỜI 20 QUẬN HUYỆN VÀ 5 ĐÔ THỊ TRUNG TÂM, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
- "TAM HƯNG ANH DŨNG" RÀO LÀNG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP CÀN QUÉT
- Thanh Oai: Tập huấn Sách giáo khoa môn Toán và môn Tiếng Việt cho giáo viên lớp 5
- THANH OAI: MÔ HÌNH MÁY TUỐT LÚA “0 ĐỒNG” HỖ TRỢ NÔNG DÂN THU HOẠCH LÚA MÙA