CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Thanh Oai tổ chức Hội nghị tọa đàm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Cải cách hành chính, Chuyển đổi số năm 2024 và những năm tiếp theo
Ngày đăng 05/12/2024 | 20:39  | Lượt xem: 154

Chiều ngày 05/12/2024, tại Hội trường UBND huyện Thanh Oai, đã diễn ra Hội nghị tọa đàm với chủ đề "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Cải cách hành chính (CCHC), Chuyển đổi số trên địa bàn huyện Thanh Oai năm 2024 và những năm tiếp theo".

 

Tham dự hội nghị có các đồng chí đại biểu Thành phố, Tiến sĩ Lại Đức Vượng – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, đồng chí  Trịnh Ngọc Khoa – Phó trưởng phòng chuyên môn – Sở Thông tin Truyền thông; Về phía huyện Thanh Oai, đồng chí Vũ Quỳnh – HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì Hội nghị.

Hội nghị thu hút sự tham gia đông đảo của các đại biểu từ các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, cùng các thành viên trong Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 huyện. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, các lãnh đạo Chi cục Thuế huyện Thanh Oai – Chương Mỹ, Kho bạc Nhà nước huyện Thanh Oai, các ngân hàng và đơn vị viễn thông có hạ tầng trên địa bàn huyện, cùng đại biểu từ 21 xã, thị trấn.

Phát biểu khai mạc đồng chí Vũ Quỳnh – HUV – Phó chủ tịch UBND huyện đã thể hiện sự chào mừng đối với các các đại biểu và nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác CCHC và CĐS đối với sự phát triển bền vững của huyện. Đồng chí khẳng định, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia 2024, việc đẩy mạnh CCHC và CĐS chính là động lực quan trọng giúp huyện Thanh Oai tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: “Hội nghị hôm nay không chỉ là dịp để chúng ta nhìn lại những kết quả đạt được mà còn là cơ hội để lắng nghe các ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác CCHC và CĐS. Đây là những nhiệm vụ quan trọng trong sự phát triển chung của huyện và thành phố Hà Nội. Với diện tích đất tự nhiên 124,36km2, dân số 239.250 người huyện Thanh Oai sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ của công nghệ, huyện cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số để bắt kịp xu hướng phát triển chung. Đặc biệt, huyện đang hướng tới mục tiêu xây dựng nền tảng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Thu Sơn – Chánh Văn phòng HĐND – UBND huyện đã Báo cáo Hội nghị khái quát tình hình và thực trạng công tác CCHC, chuyển đổi số trên địa bàn huyện năm 2024. Các thành tựu đạt được trong công tác triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, cũng như việc chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính được nhấn mạnh như: đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi số hiệu quả, góp phần thúc đẩy công tác cải cách hành chính và xây dựng chính quyền số tại địa phương. Các mô hình nổi bật gồm: Nhà văn hoá thôn thông minh: Mô hình đang được triển khai tại Nhà văn hoá thôn Hưng Giáo và dự kiến sẽ hoàn thành tại mỗi xã một mô hình vào cuối năm 2025; Chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt: đến nay, đã có 13.760/14.407 người nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng. Việc chi trả nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và thúc đẩy chuyển đổi số, giảm sử dụng tiền mặt; Chuyển đổi số tại bộ phận một cửa huyện, xã: 100% bộ phận một cửa đã triển khai thanh toán trực tuyến và số hoá hồ sơ thủ tục hành chính. Mô hình này giúp giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, và thúc đẩy chính quyền số; Thu học phí không dùng tiền mặt và cấp chữ ký số cho giáo viên: 04 trường THCS đã triển khai thu học phí không tiền mặt, và 755 chữ ký số đã được cấp cho giáo viên. Mô hình này giúp minh bạch trong quản lý tài chính giáo dục và thúc đẩy chuyển đổi số trong trường học; Ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt và đánh giá sản phẩm tại chợ: Mô hình hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng Viettel Money và MB Pay đã được triển khai tại các chợ. Việc này giúp dễ dàng thanh toán và thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.; Số hoá sổ hộ tịch: Đã hoàn thành công tác chuẩn hoá dữ liệu để phục vụ số hoá sổ hộ tịch, giúp quản lý hồ sơ dễ dàng và an toàn, thúc đẩy chính quyền số; Nộp thuế điện tử qua ứng dụng eTax Mobile: 2.821 người nộp thuế đã cài đặt ứng dụng eTax Mobile, với số thuế nộp qua ứng dụng đạt hơn 22,1 tỷ đồng. Mô hình này giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người nộp thuế, minh bạch trong quản lý thuế và thúc đẩy chính quyền số. Những kết quả này không chỉ cải thiện hiệu quả công tác quản lý hành chính mà còn tạo ra bước tiến lớn trong việc phát triển kinh tế số và xã hội số tại huyện Thanh Oai.

Báo cáo cũng đã chỉ ra những khó khăn, thách thức lớn đối với công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số. Cụ thể, công tác CCHC và chuyển đổi số chưa được thực hiện đồng bộ và kết nối xuyên suốt, khiến việc sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau gây khó khăn cho cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, thiếu kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin trong khi hạ tầng công nghệ số còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là chất lượng sóng di động 4G tại một số khu vực còn yếu. Thêm vào đó, nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách địa phương, thiếu cơ chế thu hút nguồn vốn xã hội, gây khó khăn cho việc phát triển bền vững công tác chuyển đổi số. Để khắc phục những khó khăn này, đồng chí Chánh văn phòng đã đề ra các phương hướng và nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về cải cách hành chính và chuyển đổi số; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và mạng viễn thông, đảm bảo an toàn thông tin mạng; đẩy mạnh áp dụng các ứng dụng, dịch vụ dùng chung phục vụ người dân và doanh nghiệp; biểu dương, khen thưởng các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số; học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình cải cách hành chính, chuyển đổi số hiệu quả tại các địa phương.

Đồng chí cũng đề nghị UBND thành phố hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số, đảm bảo quy trình giải quyết thủ tục hành chính thông suốt; đảm bảo biên chế nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng yêu cầu công việc; triển khai các ứng dụng, phần mềm dùng chung cho các cơ quan hành chính, liên kết với hệ thống dữ liệu của Chính phủ; thiết lập hệ thống quản lý trực quan, liên kết giữa các sở, ngành, quận, huyện; tăng cường tập huấn cho đội ngũ phụ trách cải cách hành chính và chuyển đổi số tại các đơn vị; đầu tư đồng bộ cho công tác số hóa các cơ quan nhà nước; hỗ trợ kinh phí nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại huyện và xã; và có cơ chế hỗ trợ Tổ chuyển đổi số cộng đồng thực hiện nhiệm vụ.

Tại hội nghị tọa đàm về cải cách hành chính và chuyển đổi số, Tiến sỹ Lại Đức Vượng- Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đã chia sẻ chiến lược phát triển chuyển đổi số tại Hà Nội, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Hà Nội đặt mục tiêu trở thành thành phố thông minh, hiện đại vào năm 2030, với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện dịch vụ công; Hà Nội đã thực hiện phân cấp và ủy quyền cho các cấp chính quyền gần dân, đồng thời miễn phí toàn bộ dịch vụ công trực tuyến và cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID. Chuyển đổi số tại Hà Nội đã đạt nhiều kết quả nổi bật, như triển khai hệ thống quản lý văn bản, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, và xây dựng kho dữ liệu dùng chung; Các mô hình thí điểm như thẻ vé điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, hồ sơ sức khỏe điện tử và học bạ số đã thành công, cải thiện chất lượng dịch vụ công. Phương thức đổi mới chính quyền số tại Hà Nội, với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng," đã góp phần vào quá trình cải cách hành chính. Tiến sỹ Lại Đức Vượng kết luận “chuyển đổi số là chìa khóa xây dựng một nền chính trị minh bạch và xã hội công bằng, hạnh phúc cho người dân Thủ đô”.

Hội nghị tọa đàm có 6 ý kiến đóng góp từ các đại biểu đến từ Chi cục Thuế Thanh Oai – Chương Mỹ, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện Đoàn, thị trấn Kim Bài, xã Cao Viên, và Dân Hoà. Các ý kiến tập trung thảo luận về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn. Đề xuất các giải pháp để cải thiện chế độ dành cho Tổ Chuyển đổi số Cộng đồng tại địa phương; tích hợp các phần mềm để giảm thiểu số lượng ứng dụng cần cài đặt cho công dân, và việc thực hiện số hóa hồ sơ toàn trình. Các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức về kỹ năng chuyên môn về thủ tục hành chính, kỹ năng an toàn thông tin, … để đảm bảo năng lực thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ chuyển đổi số.

Ông Trịnh Ngọc Khoa – Phó Trưởng phòng Chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, đã giải đáp các ý kiến và thảo luận trong buổi tọa đàm, đồng thời chia sẻ những định hướng quan trọng về công tác chuyển đổi số của Thành phố. Theo ông, chiến lược chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác hành chính mà còn là bước đi then chốt trong việc xây dựng chính quyền điện tử, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ qua đào tạo chuyên sâu, và phát triển các ứng dụng trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công dân trong việc tiếp cận các dịch vụ công.

Kết thúc hội nghị, đồng chí Vũ Quỳnh – HUV – Phó chủ tịch UBND huyện đã phát biểu kết luận và cảm ơn sự đóng góp, tham gia của các đại biểu. Hội nghị tọa đàm đã diễn ra thành công, tạo nên sự gắn kết giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu cải cách hành chính, chuyển đổi số, hướng tới một chính quyền hiện đại, hiệu quả và phục vụ tốt nhất cho nhân dân./.

 

THỜI TIẾT