AN NINH - QUỐC PHÒNG
Cách đây vừa tròn 80 năm, ngày 22/12/1944 tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng)
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong Chỉ thị, Người chỉ rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự...”, “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên, có chi bộ lãnh đạo. Ngay sau ngày thành lập, đội quân cách mạng ấy đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập và đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng) vào ngày 25 và 26/12/1944, diệt hai tên đồn trưởng Pháp, bắt sống toàn bộ binh lính địch. Chiến thắng Phai Khắt và Nà Ngần đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đánh phát xít Nhật, đuổi thực dân Pháp và mở đường cho những thắng lợi tiếp theo, mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, phát huy thắng lợi hai trận đầu, Quân đội nhân dân Việt Nam đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng, góp phần củng cố khu căn cứ Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và đã tiến hành hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Điển hình là các chiến dịch: Việt Bắc thu đông năm 1947; Chiến dịch Biên giới tháng 6/1950 giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Lạng Sơn, căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố, phá vỡ thế bao vây, khai thông liên lạc với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, kết nối cách mạng nước ta với cách mạng thế giới góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh. Đồng thời đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về nghệ thuật chiến dịch và sự trưởng thành lớn mạnh của Quân đội ta. Đặc biệt là thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, đồng thời là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Quân đội ta sau 10 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang (1944-1954).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, tháng 3/1957, Hội nghị TW lần thứ 12 của Đảng ban hành nghị quyết về vấn đề xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, nghị quyết chỉ rõ: “Phương châm xây dựng quân đội của chúng ta là tích cực xây dựng một Quân đội nhân dân hùng mạnh tiến dần từng bước đến chính quy hóa và hiện đại hóa”. Quán triệt quan điểm trên, đến năm 1960, Quân đội ta đã có bước trưởng thành mới, từ lực lượng chủ yếu là bộ binh, vũ khí trang bị còn thiếu thốn đã trở thành Quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, gồm các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Phòng không - không quân. Đây là bước phát triển quan trọng, tạo nền móng cho xây dựng Quân đội tiến tới chính quy, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng. Ngày 19/5/1959, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ mở đường Trường Sơn bảo đảm cho lực lượng ta vào Nam chiến đấu và vận chuyển lương thực, vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam để thực hiện nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Một dấu mốc quan trọng đó là ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân ở miền Nam; đây là bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam. Cũng trong thời gian này, quân và dân ta đã liên tục chiến đấu, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Trong đó tiêu biểu là chiến thắng Ấp Bắc (01/1963). Trước tình hình từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân chiến đấu của Mỹ và đồng minh cùng khối lượng lớn phương tiện chiến tranh vào miền Nam. Từ tháng 9 đến tháng 12/1965, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập tại chiến trường miền Nam 5 Sư đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh mang phiên hiệu Đoàn pháo binh 69. Vừa xây dựng, vừa chiến đấu, bộ đội ta trên các chiến trường miền Nam đã tổ chức các trận tiến công, điển hình là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đặc biệt là thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12 năm 1972 buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973), rút quân về nước. Để sớm kết thúc chiến tranh, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập các Quân đoàn: Quân đoàn 1; Quân đoàn 2; Quân đoàn 3; Quân đoàn 4. Việc thành lập các quân đoàn chủ lực đã đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 4/3/1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Với những thắng lợi liên tiếp của quân ta trên các chiến trường, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” từ ngày 26/4/1975, đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của quân đội ta cả về tổ chức lực lượng và chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau khi giải phóng miền Nam, với tinh thần quốc tế trong sáng, quân tình nguyện Việt Nam đã giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt, đồng thời bảo vệ biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, xung kích trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, làm sáng ngời thêm bản chất tốt đẹp “Bộ đội cụ Hồ” được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội ta đã xây đắp nên truyền thống rất vẻ vang như lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy ngày 22/12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Từ đó đến nay, ngày 22/12 đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội. Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, giáo dục lòng yêu nước, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân trong tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cổ vũ, động viên toàn dân chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh trên từng địa phương, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hùng cường trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân năm nay là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, bản chất truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của quân đội và nhân dân ta; qua đó khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết TW 8 khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
TIN TỨC MỞI Nhất
- Dấu ấn đậm nét của giáo dục Tiểu học Thanh Oai
- Kim Thư: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng
- Khánh thành và bàn giao Nhà tình nghĩa cho gia đình ông Nguyễn Văn Kiều, xã Thanh Mai
- Thanh Cao tổng kết các nhiệm vụ chính trị và phát động phong trào thi đua năm 2025
- Đảng uỷ xã Thanh Cao tổ chức Lễ trao tặng huy hiệu Đảng đợt 3/2
- Hội nghị đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, giải quyết TTHC lần thứ nhất năm 2024 Thực hiện Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 24/01/2024 của UBND huyện Thanh Oai về Tổ chức Hội nghị đối...
- HÀ NỘI: LÊN ĐỜI 20 QUẬN HUYỆN VÀ 5 ĐÔ THỊ TRUNG TÂM, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
- "TAM HƯNG ANH DŨNG" RÀO LÀNG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP CÀN QUÉT
- Thanh Oai: Tập huấn Sách giáo khoa môn Toán và môn Tiếng Việt cho giáo viên lớp 5
- THANH OAI: MÔ HÌNH MÁY TUỐT LÚA “0 ĐỒNG” HỖ TRỢ NÔNG DÂN THU HOẠCH LÚA MÙA