Xã Thanh Oai mới nằm ở trung tâm huyện Thanh Oai trước đây, phía Đông xã Thanh Oai giáp xã Tam Hưng, phía Tây xã Thanh Oai giáp xã Hoà Phú, xã Quảng Bị, Phía Nam xã Thanh Oai giáp xã Dân Hoà, phía Bắc xã Thanh Oai giáp xã Bình Minh. Đây cũng là địa bàn quan trọng về giao thông với các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 21B, Tỉnh lộ 427, cùng các tuyến đường liên xã, liên huyện nối với trung tâm Hà Nội và các tỉnh lân cận.
xã Thanh Oai mới là những vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, được kết hợp từ đặc điểm của từng địa phương như:
Thị trấn Kim Bài từng là trung tâm hành chính của huyện Thanh Oai, nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử.
Xã Thanh Mai là vùng đất cổ với bề dày lịch sử lâu đời có giá trị như đình, chùa Mai Viên, chùa Hạ, chùa Cự Chính… Các di tích này không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn là chứng tích ghi dấu những trang sử vẻ vang của quê hương trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc.
Xã Phương Trung nổi tiếng là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi sản sinh nhiều thế hệ hiền tài, đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước. Trải qua hàng trăm năm hình thành, phát triển, mảnh đất này lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử có giá trị như đình Chuông, chùa Chuông hay còn gọi là chùa Thắng Quang. Đình và chùa Chuông gắn với những phiên chợ nón truyền thống vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch, bắt đầu từ tờ mờ sáng đến khoảng 6 – 7 giờ, thu hút cả hàng trăm người bán – mua, đây cũng là làng quê đang từng bước hội nhập gắn với sự phát triển du lịch làng nghề…. Với các trò chơi dân gian được tổ chức trong lễ hội cổ truyền 10/3 âm lịch hàng năm mang đậm bản sắc dân như đánh cờ người, thổi cơm thi,… được lưu truyền sử sách, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm và trải nghiệm.
Hình ảnh thổi cơm thi tại sân chùa Chuông lễ hội 10/3 âm lịch
Hình ảnh du lịch làng nghề truyền thống tại làng Chuông
Xã Kim An, Kim Thư, Đỗ Động gắn với những tên tuổi danh nhân, phong trào kháng chiến và truyền thống hiếu học, cần cù lao động. Sự hội tụ này tạo nên một cộng đồng đoàn kết, giàu bản sắc văn hóa và ý chí vươn lên.
Thanh Oai mới có nền kinh tế đa dạng, phát triển trên cả 3 lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ.
Về Nông nghiệp: Phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, chăn nuôi tập trung và thủy sản.
Về Tiểu thủ công nghiệp: nổi bật với các làng nghề truyền thống như mộc, nón lá, cùng với cụm công nghiệp Phương Trung đang hình thành và mở rộng.
Về Thương mại - dịch vụ: các chợ truyền thống, dịch vụ vận tải, dịch vụ sản xuất đang ngày càng sôi động nhờ lợi thế vị trí địa lý và hạ tầng giao thông.
Trụ sở xã Thanh Oai được đặt trụ sở cũ của Huyện uỷ - HĐND – UBND xã huyện Thanh Oai. Đây là vị trí trung tâm của xã, thuận tiện giao thông, giao dịch và phục vụ tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Sau khi sáp nhập, Thanh Oai mới có điều kiện thuận lợi để quy hoạch đồng bộ, phát huy các thế mạnh từng vùng, hình thành các khu dân cư hiện đại, trung tâm dịch vụ - thương mại tập trung, tiến tới trở thành khu đô thị vệ tinh của Hà Nội trong tương lai.
Sự ra đời của xã Thanh Oai mới là bước chuyển mình quan trọng, thể hiện quyết tâm đổi mới của Đảng, nhà nước. Với bề dày lịch sử, vị thế địa lý thuận lợi và nguồn lực dồi dào, Thanh Oai mới hứa hẹn trở thành vùng phát triển năng động, hiện đại nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống đặc sắc.