KINH TẾ - CHÍNH TRỊ
Ngày 11/9/2024 Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Sáng ký ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND gửi BCH PCTT&TKCN huyện; Các cơ quan, ban, ngành chức năng huyện; Các ngành trực thuộc Thành phố liên quan; UBND, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn về việc tập trung ứng phó với lũ lớn trên các tuyến sông.
Hiện nay mực nước sông Đáy đang ở mức trên báo động II (hồi 18h00’ đo tại Ba Thá là 6,51m); mực sông Nhuệ đang ở mức báo động III (Hồi 14h00’ tại Đồng Quan là 4,7m). Bên cạnh đó mực nước Sông Tích và Sông Bùi đang ở mức trên báo động III cũng tác động không nhỏ đến việc tăng mực nước sông Đáy.
Thực hiện Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 09/9/2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc tập trung ứng phó với lũ lớn trên các tuyến sông; để chủ động ứng phó với lũ lớn trên Sông Nhuệ, Sông Đáy, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu:
1. Các đồng chí thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ Đảng, Quản lý Nhà nước; nhiệm vụ, địa bàn do Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện phân công, thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến của nước lũ trên sông Đáy, Sông Nhuệ; mực nước trên kênh Yên Cốc, kênh Vân Đình, đồng thời bám sát địa bàn để thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao ứng phó hiệu quả, kịp thời đối với nước lũ trên các sông, kênh thuộc địa bàn huyện.
2. Các Tiểu ban giúp việc cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, Ban chỉ huy các tuyến đê, sông, kè, Ban chỉ huy các cụm chống úng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc rà soát, triển khai thực hiện nghiêm các phương án PCTT&TKCN của huyện, các xã, thị trấn, các cụm chống úng…; phương án bảo vệ các tuyến đê, kè, kênh đã được phê duyệt và vận dụng linh hoạt sát với tình hình thực tiễn; rà soát công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực, nhu yếu phẩm, thuốc men…theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phục vụ khi có tình huống xảy ra. Đồng chí trưởng các tiểu ban các cụm chống úng, Ban chỉ huy các tuyến đê, sông, kè… phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Tiểu ban, Ban chỉ huy đảm bảo đáp ứng tốt nhất yêu cầu phục vụ khi có tình huống xảy ra. Đồng chí trưởng các tiểu ban, các Ban chỉ huy các tuyến đê, kè, sông, kênh, cụm trưởng các cụm chống úng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN về hiệu quả, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
3. Chủ tịch Hội đồng tiêu nước (Theo Quyết định số 4592/QĐ-UBND ngày 06/6/2024 về việc thành lập 12 Hội đồng tiêu nước tại các khu vực trọng điểm sung yếu năm 2024; Quyết định số 4635/QĐ-UBND ngày 08/6/2024 về việc đính chính một số nội dung tại Quyết định 4592/QĐ-UBND ngày 06/6/2024) chịu trách nhiệm phân công thành viên của Hội đồng bám sát địa bàn và kịp thời xử lý các tình huống đảm bảo việc tiêu nước được nhanh nhất, công bằng giữa các địa phương, tránh gây mất đoàn kết.
4. Các đồng chí Huyện uỷ viên, thủ trưởng các cơ quan, ban ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị và nhiệm vụ phòng chống thiên tai do Trưởng ban chỉ huy giao; bám sát địa bàn phụ trách để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhất công tác triển khai ứng phó với mưa, lũ lớn, ngập úng.
5. Các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm công tác trực ban, trực ứng phó (24/24)/7 theo quy định; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, địa bàn được phân công phụ trách, chủ động xuống hiện trường kiểm tra, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, đôn đốc công tác ứng phó với lũ lớn, úng ngập. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền đến nhân dân khu vực có nguy cơ cao, khu vực nhân dân sinh sống ven Sông Đáy, Sông Nhuệ, dân cư vùng trũng thấp có nguy cơ ngập úng cao để nhân dân biết sẵn sàng và chủ động ứng phó.
5.1. Rà soát kỹ, triển khai ngay công tác đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại khu vực nguy hiểm (khu vực nhân dân sinh sống ở ven sông có nguy cơ sạt lở cao, khu vực có nguy cơ mất an toàn về điện, công trình, khu vực bị chia cắt khi nước dâng cao, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu do mưa lớn). Kiên quyết không để nhân dân ở lại khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao, ngập (trường hợp cần thiết phải thực hiện cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân).
5.2. Tiếp tục tổ chức kiểm tra các công trường xây dựng; đảm bảo các công trường phải có phương án cụ thể để bảo vệ an toàn cho con người, thiết bị, phương tiện, vật tư, an toàn cho công trình khi có tình huống mưa lớn, nước lũ dâng cao; phải bố trí người ứng trực tại công trường để kịp thời xử lý các tình huống nhằm bảo vệ an toàn cho con người và tài sản phục vụ thi công công trình, bảo vệ an toàn cho công trình; kiểm tra rà soát hệ thống điện phục vụ cho các công trường xây dựng đảm bảo hệ thống phải an toàn và thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn trong sử dụng điện. Đối với các công trình có tác động ảnh hưởng đến hệ thống công trình phòng chống thiên tai (ảnh hưởng hệ thống kênh mương tưới tiêu…) phải có phương án, biện pháp cụ thể để đảm bảo phát huy tối đa công xuất phục vụ của công trình tiêu nước.
5.3. Kiểm tra các cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho tàng …; đôn đốc các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kho tàng… có phương án đảm bảo an toàn cho con người và tài sản của đơn vị sẵn sàng thực hiện khi có tình huống mưa lớn, ngập úng xảy ra.
5.4. Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống, lũ lớn, ngập úng; xử lý nghiêm chủ các doanh nghiệp, phương tiện không nghiêm chỉnh chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chức năng có thẩm quyền và người có thẩm quyền trong công tác phòng, chống thiên tai, ngập úng.
5.5. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của UBND, Ban chỉ huy PCTT&TKCN của Thành phố và huyện trong công tác triển khai ứng phó với thiên tai, lũ lớn, ngập úng.
6. Phòng Kinh tế - Cơ quan Thường trực BCH PCTT&TKCN huyện
- Chủ trì phối hợp các đơn vị, chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm…; việc thực hiện trực ban, giám sát, kiểm tra trực tuần tra canh gác đê của các ngành liên quan, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã (thị trấn); đảm bảo việc thực hiện đúng quy định, đúng và đầy đủ theo phương án PCTT&TKN năm 2024 đã được phê duyệt. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lớn, lũ, úng ngập; tình hình ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lớn, lũ, úng ngập gây ra thông tin kịp thời và tham mưu giúp UBND, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện các biện pháp xử lý, ứng phó với mọi tình huống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; tổng hợp diễn biến tình hình thiệt hại, công tác triển khai ứng phó trên địa bàn huyện báo cáo UBND huyện, báo cáo Thành phố theo quy định.
- Rà soát phương án đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là tại các địa điểm, khu vực bị ảnh hưởng, chia cắt bởi mưa, lũ, úng, ngập; kiểm soát thị trường tránh tình trạng đầu cơ găm hàng tăng giá; sẵn sàng phương án để vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng hoá đễn vùng bị chia cắt bời lũ, ngập úng sẵn sàng phục vụ khi có tình huống xảy ra.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ lớn, úng ngập, tổng hợp tình hình báo cáo UBND, BCHPCTT&TKCN huyện, báo cáo Thành phố theo quy định.
7. Phòng quản lý Đô thị
Chịu trách nhiệm đảm bảo bố trí đủ phương tiện (ô tô…) sẵn sàng phục vụ khi có tình huống phải vận chuyển nhu yếu phẩm… phục vụ cứu trợ nhân dân; có biện pháp đảm bảo an toàn cho các nhà ở, công trình đã xuống cấp không đảm bảo an toàn vận chuyển con người và tài sản của nhân dân khi có tình huống phải sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Phối hợp chặt chẽ với Công ty thoát nước Hà Nội, xí nghiệp ĐTPT TL La Khê trong việc chủ động tiêu nước dân sinh đảm bảo tiêu thoát kịp thời. Phối hợp với Công an huyện đảm bảo giao thông thông suốt.
8. Phòng Lao động & Thương binh xã hội - Tiểu ban đảm bảo đời sống dân sinh
- Chịu trách nhiệm rà soát công tác chuẩn bị nhu yếu phẩm theo phương án đảm bảo đời sống đã được phê duyệt, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về chủng loại, số lượng và chất lượng hàng hoá, nhu yếu phẩm cứu trợ đảm bảo đời sống nhân dân vùng bị thiên tai khi có tình huống xảy ra.
- Tổng hợp, rà soát các đối tượng người có công, gia đình chính sách... và chủ động phương án sẵn sàng hỗ trợ di dời, cung ứng nhu yếu phẩm cho nhân dân vùng bị chia cắt, vùng nguy hiểm khi có tình huống xảy ra.
9. Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện
Chịu trách nhiệm rà soát công tác chuẩn thuốc men, trang thiết bị và nhân lực y tế đảm bảo sẵn sàng đáp ứng đầy đủ về cơ số, chất lượng và chủng loại phục vụ khi có tình huống xảy ra.
10. Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện
- Kiểm tra, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả trong phòng chống thiên tai đối với môi trường, tài nguyên nước;
- Phối hợp với phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện trong công tác kiểm soát nguồn nước sinh hoạt, đặc biệt trong khu vực bị ngập lụt, khu vực tập kết nhân dân khi có tình huống phải di dời; đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm phục vụ dân sinh.
11. Phòng Giáo dục & ĐT
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình mưa, lũ lớn, úng ngập từ đó chủ động các biện pháp bảo vệ các công trình thuộc đơn vị quản lý.
- Tuyên truyền để phụ huynh và học sinh biết được và có biện pháp bảo đảm an toàn khi lưu thông trên đường, biện pháp phòng tránh các tai nạn về điện, đuối nước trong điều kiện lũ lớn, úng ngập.
- Đối với các trường học nằm phía lòng sông Đáy, giáp Sông Nhuệ thì có biện pháp cụ thể để bảo vệ an toàn công trình, an toàn cho giáo viên và học sinh; trường hợp nước lũ dâng cao các điểm trường có nguy cơ úng, ngập thì căn cứ tình hình thực tế cho học sinh nghỉ học khi cần thiết.
12. Phòng Nội vụ
Chủ trì theo dõi việc triển khai thực hiện của các đơn vị, các xã, thị trấn trong việc ứng phó mưa lớn, lũ, úng ngập để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Phối hợp với phòng Kinh tế kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn. Tham mưu giúp UBND huyện biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với cơ quan, đơn vị có hành vi lơ là, chủ quan, không hoặc chưa nghiêm túc triển khai thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND, Ban chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố và huyện.
13. Ban chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện
Thực hiện và chỉ đạo Ban chỉ huy Quân sự xã, Công an xã tổ chức rà soát phương án ứng phó tình huống lũ lớn, úng, ngập; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện … phối hợp với các lực lượng có liên quan, UBND các xã, thị trấn sẵn sàng triển khai công tác ứng phó theo quy định và chức năng nhiệm vụ được phân công. Công an huyện tổ chức thực hiện phương án sãn sàng đảm bảo giao thông thông suốt và an ninh trật tự địa phương trong điều kiện có, lũ lớn, mưa lớn, ngập úng xảy ra; đặc biệt bảo vệ an toàn tài sản của nhân dân, an ninh trật tự tại các khu vực nhân dân phải di dời, các khu vực tập kết nhân dân di dời đến. Bảo dưỡng máy móc, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn đảm bảo ở tình trang tốt nhất sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phục vụ khi có tình huống xảy ra. Rà soát phương án tìm kiếm cứu nạn đã được phê duyệt sẵn sàng phục vụ khi có tình huống xảy ra.
14. Ban quản lý Dự án ĐTXD huyện
Chủ trì và phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn cho con người và tài sản tại các công trình đang thi công dở dang trên địa bàn huyện do Ban làm chủ đầu tư. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, máy móc, thiết bị và vật tư (cát, đá, …) để sẵn sàng phục vụ xử lý các sự cố về đê điều, công trình thuỷ lợi liên quan đến các dự án, công trình do Ban quản lý Dự án ĐTXD làm chủ đầu tư đang triển khai thực hiện (khi có lệnh huy động của UBND hoặc Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện). Kiểm tra các khu tập kết rác thải, các bãi rác và có biện pháp đảm bảo không để rác tràn ra đường, hệ thống kênh mương gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ách tắc các dòng chảy tiêu thoát nước.
15. Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn
Thường xuyên theo dõi diễn biến của lũ lớn, mưa lớn, úng ngập, tình hình thời tiết, thiên tai; cập nhật, nắm bắt các biện pháp ứng phó hiệu quả với bão, mưa úng từ đó thông tin, phổ biến trên hệ thống truyền thanh huyện và tiếp sóng tới truyền thanh các xã, thị trấn kịp thời đến nhân dân để người nhân sẵn sàng, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt phối hợp với các xã, thị trấn và các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền đến từng hộ, từng thôn, xóm, ngõ về các tình hình lũ lớn, úng, ngập và các biện pháp ứng phó hiệu quả; vận động, tuyên truyền, đôn đốc nhân dân ở vùng nguy hiểm sẵn sàng thực hiện di dời con người và tài sản đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.
16. Hạt Quản lý đê số 14
Thường xuyên kiểm tra công trình tuyến đê tả Đáy, kiểm tra, đôn đốc đảm bảo thực hiện nghiêm túc công tác trực tuần tra canh gác đê của các xã, thị trấn ven đê tả Đáy. Kịp thời tổ chức xử lý cũng như tham mưu cho địa phương công tác xử lý những sự cố về công trình đê điều trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa phận huyện Thanh Oai. Thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất và thường xuyên tình hình lũ Sông Đáy, tình hình công trình đê tả Đáy về Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện để có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.
17. Xí nghiệp ĐTPT Thuỷ lợi La Khê
Tranh thủ khi các trạm bơm tiêu được phép vận hành bơm ra Sông Nhuệ, Sông Đáy và kênh Vân Đình tập trung vận hành tối đa công suất các trạm bơm để tiêu rút nước nhanh nhất trên toàn địa bàn; đảm bảo phục vụ tốt nhất cho sản xuất và đời sống dân sinh. Bố trí lực lượng trực 24/24h tại các trạm bơm. Kiểm tra thường xuyên hệ thống công trình, chủ động các biện pháp bảo vệ công trình đảm bảo công trình vận hành thông suốt, an toàn.
18. Công ty Điện lực Thanh Oai
Bố trí lực lượng thường trực đảm bảo cung cấp điện cho các trạm bơm hoạt động tiêu úng, đảm bảo phục vụ sản xuất và dân sinh. Thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn về lưới điện để kịp thời xử lý sự cố mất điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn hiệu quả. Tổ chức trực ban và trực vận hành theo quy định khi có thiên tai xảy ra, phân công cán bộ trực ở các trạm bơm tiêu trọng điểm để đảm bảo ứng phó kịp thời các sự cố xảy ra. Kiểm tra kịp thời và có biện pháp chằng chống, bảo vệ công trình tránh hư hại công trình, đổ gãy cột điện gây tai nạn cho nhân dân địa phương và hư hại công trình. Chuẩn bị phương án và sẵn sàng phương án bảo vệ an toàn công trình trong điều kiện nước lũ dâng cao, ngập úng. Sẵn sàng phương án cắt điện khẩn cấp khi cần thiết để đảm bảo an toàn cho nhân dân, sau đó khôi phục trong thời gian nhanh nhất. Tăng cường tuyên truyền và phối hợp với Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao huyện tổ chức tuyên truyền các biện pháp đảm bảo an toàn về điện, an toàn trong sử dụng điện (đặc biệt ở điều kiện mưa, bão, lũ lớn, úng ngập) để nhân dân biết và nghiêm túc thực hiện. Kiểm tra, rà soát trên toàn địa bàn, nếu phát hiện các trường hợp sử dụng điện có nguy cơ cao mất an toàn thì hướng dẫn, yêu cầu nhân dân thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn về điện, an toàn trong sử dụng điện; nếu trường hợp nào cố tình không thực hiện thì phối hợp với UBND xã thực hiện việc cắt điện cho đến khi hộ đó thực hiện đảm bảo các biện pháp an toàn về điện, an toàn trong sử dụng điện.
19. UBND, BCHPCTT các xã, thị trấn
- Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, thị trấn trực tiếp chỉ đạo các biện pháp ứng phó với tình hình mưa lớn, lũ lớn, úng ngập; triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, Huyện ủy, UBND, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện trong công tác phòng, chống thiên tai. Phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn trong phòng, chống thiên tai.
- Rà soát các phương án phòng, chống thiên tai của đơn vị (phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phương án đảm bảo đời sống dân sinh, phương án phục hồi sản xuất; phương án di dời nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai…) đảm bảo sát và phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phục vụ khi có tình huống thiên tai xảy ra.
- Phân công người thường trực tại trụ sở, trực ứng phó 24/24h, tăng cường kiểm tra tại các địa bàn của xã, thị trấn để có biện pháp kịp thời đối phó khi có tình huống xảy ra.
- Chỉ đạo đài truyền thanh thường xuyên thông tin và tiếp sóng các tin bài từ đài truyền thanh huyện về diễn biến của tình hình lũ lớn, úng ngập, mưa lớn… Đối với các xã, thị trấn có nhân dân sinh sống ở vùng nguy hiểm (phía lòng Sông Đáy, ven Sông Nhuệ) thì tổ chức đồng bộ các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân (Truyền thanh, đến từng hộ…) chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho con người và tài sản; sẵn sàng di dời khi cần thiết hoặc khi có yêu cầu, thông báo của cơ quan có thẩm quyền. Thông tin chính xác tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Thành phố, của Huyện; chính xác về tình hình lũ lớn, mưa úng, ngập để nhân dân biết, tránh để xảy ra thông tin sai lệch gây hoang mang trong nhân dân.
- Khi có tình huống cần thiết hoặc có chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền về việc phải di dời nhân dân ở những vùng nguy hiểm thì phải đảm bảo sẵn sàng đầy đủ mọi điều kiện để thực hiện di dời nhân dân theo quy định. Khi có tình huống cần thiết, có lệnh của cơ quan có thẩm quyền mà trường hợp nào cố tình không chấp hành di dời thì áp dụng các biện pháp cưỡng chế di dời theo quy định.
- Chủ động kiểm tra và sẵn sàng các biện pháp bảo vệ an toàn các công trình và tài sản của các Di tích lịch sử, văn hoá, trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan…trước lũ, úng ngập.
- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ lớn, ngập úng, tăng cường công tác tuần tra canh gác bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý ngay giờ đầu các sự cố đê điều, thuỷ lợi theo phương châm “4 tại chỗ”. Báo cáo ngay về UBND, BCHPCTT&TKCN huyện khi có sự cố xảy ra để có phương án xử lý kịp thời.
- Kiểm tra và thực hiện ngay các biện pháp giải tỏa ách tắc dòng chảy, khơi thông các kênh nội đồng, kênh tiêu dân sinh đảm bảo dòng chảy thông thoáng tiêu nước kịp thời ra các trạm bơm tiêu.
- Phân công cán bộ kiểm tra thường xuyên nhà ở của dân các khu vực dân cư sinh sống ven sông, nơi có nguy cơ sạt lở cao, nguy cơ ảnh hưởng cao bởi lũ, úng, ngập cần tuyên truyền, vận động các hộ dân sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi cần thiết, khi có yêu cầu, hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền; kiên quyết không để xảy ra thiệt hại về người, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản do lũ, mưa lớn, úng ngập, thiên tai gây ra (nếu có tình huống xảy ra). Tiếp tục kiểm tra các công trình đang thi công trên địa bàn và các di tích lịch sử văn hóa; kiểm tra các khu trang trại, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả có khả năng bị ảnh hưởng của mưa lớn, lũ lớn, úng, ngập; kịp thời hướng dẫn, đôn đốc nhân dân có biện pháp xử lý đảm bảo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
- Thường xuyên báo cáo tình hình và mức độ ảnh hưởng của mưa, lũ lớn, ngập úng, công tác ứng phó, tình hình thiệt hại về cơ quan thường trực BCHPCTT &TKCN (Phòng Kinh tế) theo quy định (báo cáo ngay khi có sự cố xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời; tổng hợp báo cáo nhanh trước 16h20’ và 5h20’ hàng ngày để tổng hợp báo cáo UBND, BCHPCTT&TKCN huyện và Thành phố.
- Kiểm tra các khu vực có nguy cơ gây sạt lở, vùng nguy hiểm từ đó xây dựng phương án ứng phó cụ thể để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân, sẵn sàng phương án di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sinh sống trong khu vực chủ động sãn sàng các biện pháp ứng phó hiệu quả. Đánh giá chi tiết khu vực có nguy cơ cao từ đó rà soát tình hình cụ thể (Số hộ, số dân, đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách, số trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ có thai…, các loại tài sản, số lượng …), kiểm tra các địa điểm để thực hiện di dời nhân dân đến, rà soát phương án di dời, phương án đảm bảo đời sống dân sinh nơi nhân dân di dời đến, nơi ngập úng…, phương án đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo sẵn sàng thực hiện khi có tình huống phải di dời ngay khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Các xã, thị trấn ven tuyến đê tả Đáy, Sông Nhuệ, kênh Yên Cốc, kênh Vân Đình… thực hiện nghiêm công tác trực và Tuần tra canh gác đê, sông, kênh theo quy định, đặc biệt trong điều kiện có báo động lũ, ngập úng.
20. Các ngành chuyên môn của huyện
Đảm bảo công tác thường trực, ứng trục 24/24 giờ phục vụ phòng, chống thiên tai, thường xuyên theo dõi diễn biến của tình hình lũ lớn, úng, ngập, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin và giải quyết kịp thời các sự cố lũ lớn, úng ngập, thiên tai gây ra thuộc lĩnh vực chức năng năng nhiệm vụ đơn vị được phân công.
Yêu cầu các ngành, các cơ quan chức năng của huyện và UBND, BCHPCTT&TKCN các xã, thị trấn báo cáo nhanh tình hình hàng ngày về BCHPCTT&TKCN huyện (qua Phòng Kinh tế) trước 5h20 và 16h20 hàng ngày (nếu có tình huống đột xuất, nguy hiểm…ngoài khả năng ứng phó của đơn vị thì phải báo cáo ngay để có biện pháp ứng phó kịp thời) để tổng hợp báo cáo UBND, BCH PCTT&TKCN huyện và Thành phố kịp thời theo quy định. (qua Phòng Kinh tế - số điện thoại liên hệ: 094.989.6868 Đ/c Khuất Hữu Tuấn, 0906.126.388 Đ/c Quang, 0966.771.111 Đ/c Thắng, 0393.081.868 Đ/c Lê Tuấn; Email: pclbthanhoai@gmail.com; qua nhóm Zalo: Thường trực PCTT Thanh Oai)./.
TIN TỨC MỞI Nhất
- Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Nguyễn Khánh Bình thăm, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Bí thư Huyện ủy Bùi Hoàng Phan thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công xã Thanh Cao và Cao Viên
- Nghị quyết số 34/2024/NQ-HĐND ngày 19/11/2024 của HĐND Thành phố quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô
- Thanh Oai: Đạt giải Nhì, Ba và Khuyến khích trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp Tiểu học Thành phố Hà Nội.
- Triển khai thực hiện Quyết định số 55/QĐ-UBND ngày 06/01/2025 của UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập, đặt tên thôn, tổ dân phố mới và đổi tên thôn hiện có trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024
- Hội nghị đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, giải quyết TTHC lần thứ nhất năm 2024 Thực hiện Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 24/01/2024 của UBND huyện Thanh Oai về Tổ chức Hội nghị đối...
- HÀ NỘI: LÊN ĐỜI 20 QUẬN HUYỆN VÀ 5 ĐÔ THỊ TRUNG TÂM, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
- "TAM HƯNG ANH DŨNG" RÀO LÀNG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP CÀN QUÉT
- Thanh Oai: Tập huấn Sách giáo khoa môn Toán và môn Tiếng Việt cho giáo viên lớp 5
- THANH OAI: MÔ HÌNH MÁY TUỐT LÚA “0 ĐỒNG” HỖ TRỢ NÔNG DÂN THU HOẠCH LÚA MÙA