GIÁO DỤC - Y TẾ GIÁO DỤC - Y TẾ

Chuyên đề “Tổ chức hoạt động dạy học môn Tiếng Việt, Khoa học lớp 5 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”
Ngày đăng 22/11/2024 | 09:16  | Lượt xem: 37

Sáng ngày 22/11 tại trường Tiểu học Hồng Dương, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức chuyên đề “Tổ chức hoạt động dạy học môn Tiếng Việt, Khoa học lớp 5 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”.

 Các đồng chí Chuyên viên, viên chức Tiểu học , đại diện Ban giám hiệu, giáo viên dạy bộ môn Tiếng Việt - Khoa học lớp 5 các trường Tiểu học trên địa bàn huyện cùng tham dự tiết dạy minh họa để xây dựng phương pháp cho bộ môn Tiếng Việt, Khoa học theo Chương trình GDPT 2018 ở cấp Tiểu học để thống nhất quản lý chỉ đạo chuyên môn.

Năm học 2024- 2025 là năm thứ 5 thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông  2018. Mục tiêu của chương trình môn Tiếng Việt cấp Tiểu học là giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu với các biểu hiện cụ thể; bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học ở tất cả các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Qua tiết dạy minh họa Giáo viên đã vận dụng linh hoạt và sáng tạo các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, sử dụng phương tiện dạy học, tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp giúp học sinh chủ động nắm vững kiến thức, hình thành phát triển nhân cách, năng lực, phẩm chất cho công dân thế kỷ mới.

Ngay sau khi thực hiện chuyên đề cấp huyện, đưa ra những ý kiến thảo luận đóng góp, rút kinh nghiệm để thống nhất chỉ đạo chuyên môn, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Anh Đào chia sẻ: Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là bước chuyển mình lớn trong nền giáo dục, không chỉ đổi mới về nội dung mà còn thay đổi về phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra, đánh giá, nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.

  Đối với môn Tiếng Việt: Chương trình mới nhấn mạnh việc phát triển năng lực ngôn ngữ và giao tiếp của học sinh. Việc dạy học không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, mà còn chú trọng tới khả năng vận dụng ngôn ngữ vào thực tế đời sống, phát triển tư duy sáng tạo và tư duy phản biện.

  Đối với môn Khoa học: Chương trình đề cao việc học thông qua trải nghiệm, thực hành, khơi dậy sự tò mò, đam mê khám phá của học sinh. Các bài học khoa học không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giúp các em hình thành năng lực giải quyết vấn đề và áp dụng kiến thức khoa học vào cuộc sống hàng ngày.

Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Thị Anh Đào cho biết thêm: Để đạt được hiệu quả trong việc triển khai các môn học này, các thầy cô cần chú trọng đến các điểm: Về phương pháp dạy học tích cực, cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thảo luận nhóm, thí nghiệm thực hành. Kết hợp linh hoạt các phương pháp để tạo hứng thú và khuyến khích học sinh tham gia vào quá trình học tập.

 Về ứng dụng công nghệ: Sử dụng các công cụ công nghệ số để minh họa bài học, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng.

 Đối với việc kiểm tra, đánh giá: Tập trung vào đánh giá quá trình, không chỉ đánh giá kết quả. Khuyến khích việc sử dụng các hình thức đánh giá đa dạng như bài tập dự án, sản phẩm học tập.

Cùng với đó là sự phối hợp liên môn giữa môn Tiếng Việt và Khoa học cần được dạy tích hợp với các môn học khác, nhằm phát triển kỹ năng liên ngành, giúp học sinh hiểu sâu hơn và có khả năng vận dụng kiến thức một cách hiệu quả.

 

THỜI TIẾT