tin tức sự kiện nổi bật
Chuyên đề năm 2015. Nội dung kỳ sinh hoạt thứ nhất: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Ngày đăng: 15:58 20/03/2015 | Lượt xem: 20224
Chuyên đề năm 2015.
Nội dung kỳ sinh hoạt thứ nhất:
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết,
xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có hơn 400 bài nói và viết về đoàn kết. Tư tưởng đoàn kết nổi bật của Người là: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là một mục tiêu, một nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng; phải được quán triệt trong mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mọi giai đoạn cách mạng. Đoàn kết toàn dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết thật sự, chân thành, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Người nhấn mạnh, phải “thật thà đoàn kết” và nêu rõ: “Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân”, phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng Tổ quốc. “Đoàn kết thực sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí, vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”. Đảng Cộng sản có trách nhiệm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc và phải là hạt nhân của đại đoàn kết trong Mặt trận. Muốn làm được việc đó phải đoàn kết trong Đảng để làm gương và thúc đẩy đoàn kết toàn dân.
Trong xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của đoàn kết, thể hiện rất rõ trong những lời dạy của Người về xây dựng Đảng trong Di chúc: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ” mà “Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân tộc ta. Người căn dặn: “ Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là dân chủ và phê bình, tự phê bình. Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Để có sự đoàn kết thật sự, không chỉ cần thực hiện nguyên tắc, bản lĩnh, lý trí mà cần tình thương yêu, sự đồng cảm và chia sẻ với nhau, “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Trong điều kiện đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh yếu tố đạo đức trong Đảng, chống lại căn bệnh “quan liêu”, “tham nhũng, lãng phí”, “xa dân”. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn với bốn chữ “thật”: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong cả cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh luôn tự đặt mình trong tập thể, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Người viết: “Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó” và nguyện đi cùng với đồng bào, dù phải hy sinh tính mạng cũng không nề. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng, mẫu mực của một người cộng sản suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nổi bật nhất ở các điểm sau:
Một là, tấm gương tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn gương mẫu, trung thực, trách nhiệm, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thực hiện kỷ luật của Đảng nghiêm minh và tự giác. Quan tâm việc mở rộng và thực hành dân chủ trong Đảng, Người đã gương mẫu thực hiện dân chủ đầy đủ và tích cực nhất trong sinh hoạt đảng. Người xác định rõ trách nhiệm cá nhân, nêu cao tinh thần “phụ trách” trước Đảng, trước dân tộc và nhân dân.
Hai là, luôn tự rèn luyện, trau dồi, phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong của một đảng viên: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; lòng nhân ái bao la, trong sáng, thủy chung; lối sống giản dị, trung thực và luôn có khát vọng vươn tới những chuẩn mực chân, thiện, mỹ, luôn giữ vững ý chí “thật trung với Đảng, thật hiếu với Dân”, có tác phong gần dân, hiểu dân, vì dân. Là tấm gương khổ luyện, tiếp thu các giá trị văn hóa, tự hoàn thiện nhân cách, không ngừng học tập để có tri thức, nâng cao tầm trí tuệ. Hồ Chí Minh đã được UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong giai đoạn hiện nay:
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đang đứng trước những nhiệm vụ và thử thách lớn. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã trở thành vấn đề cấp bách, cần tập trung giải quyết. Đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đang trở nên quan trọng và cấp thiết và cần tập trung vào những nội dung chính sau:
Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, uy tín của Đảng, xây dựng, hoàn thiện đường lối đổi mới, đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp cho giai đoạn phát triển mới.
Hai là, quan tâm công tác xây dựng Đảng, thực sự coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt ở tất cả các cấp, các ngành.
Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trước hết là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Xây dựng và thực hiện cơ chế để phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Đảng tiếp thu những ý kiến của các tổ chức, đoàn thể để xây dựng, bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương; để đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Bốn là, các quyết định, chủ trương được thông qua phải lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích và động lực; các chính sách được ban hành phải có mục tiêu vì dân; cán bộ, đảng viên, công chức phải là công bộc của dân, “vì nhân dân phục vụ”; các biện pháp thực hiện phải phù hợp với thực tiễn và sức dân, mang lợi ích cho dân. Mọi hoạt động của tổ chức Đảng, Chính quyền, đoàn thể phải thực sự lấy dân làm gốc.
Năm là, tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp theo quy định của Điều lệ Đảng và Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Trong việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp, phải phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương, coi trọng chất lượng, hiệu quả. Phát huy cao nhất trí tuệ, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng. Tổ chức thật tốt việc thảo luận và lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân vào những quan điểm, chủ trương, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp lớn nêu trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII và các văn kiện Đại hội Đảng các cấp. Báo cáo của mỗi cấp bộ đảng trước đại hội cần tập trung vào những vấn đề quan trọng, vừa cấp bách trước mắt và vừa có ý nghĩa lâu dài của địa phương, đơn vị. Nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đánh giá đúng mức ưu điểm, khuyết điểm, kết quả lãnh đạo của cấp ủy và Đảng bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những yếu kém, khuyết điểm và đề ra biện pháp khắc phục. Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự bầu vào cấp ủy các cấp căn cứ vào tiêu chuẩn chung và quy định trong Chỉ thị số 36-CT/TW, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu cầu đối với cán bộ, cần đặc biệt nhấn mạnh tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ được giao; uy tín trong Đảng và trong nhân dân; có tư duy đổi mới, khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý các vấn đề mới và vấn đề phức tạp mới nảy sinh; khả năng đoàn kết, quy tụ; phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm; dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ là trách nhiệm của toàn Đảng, trước hết là của cấp ủy Đảng các cấp, từ Trung ương đến cơ sở; của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, mà còn là yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân./. (Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương)
các tin khác
- HUYỆN UỶ THANH OAI CHỈ ĐẠO ĐẠI HỘI ĐIỂM ĐẢNG BỘ XÃ CAO DƯƠNG
- Vững quyết tâm chính trị, đổi mới phương hướng công tác, đồng lòng đưa Thanh Oai vươn lên
- NÂNG CAO NĂNG LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH QUYỀN TỪ HUYỆN ĐẾN CƠ SỞ, HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ NĂM 2014
- BƯỚC CHUYỂN MẠNH MẼ CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
- “Việc gì có lợi cho Dân ta phải hết sức làm”