tin tức sự kiện nổi bật
“Việc gì có lợi cho Dân ta phải hết sức làm”
Ngày đăng: 16:42 04/02/2015 | Lượt xem: 19676
Lê Vinh Quang
UVTV – Trưởng Ban Tuyên giáo HU
Người xưa dạy “Dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời. Từ lời dạy của người xưa thì mọi việc quan tâm đến đời sống của muôn dân phải là thượng sách của mọi thời, mọi nơi, mọi lúc. Các vua hiền của nhiều triều đại trước đều coi bồi dưỡng sức dân là “Quốc sách” hàng đầu. Nhìn sâu vào lịch sử dân tộc và nhìn rộng ra toàn cầu thì thời nào, nơi nào… mà những người giữ trọng trách trước Dân biết đề cao 2 chữ “Dân hưởng” thì thời đó, nơi đó ắt thịnh, ngược lại sẽ suy, vì người có chức quyền được hưởng nhiều (nhưng không rõ nguồn gốc), để Dân được hưởng ít là mầm mống của sự bất yên. Sinh thời, Bác Hồ đã căn dặn: “Việc gì có lợi cho Dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại đến Dân ta phải hết sức tránh”. Mà đã làm cho Dân là làm thật, làm đúng, hơn câu nói hay, hứa suông, bởi hứa ít mà Dân được hưởng nhiều mới là “Diệu kế”.
Ngẫm xưa, nghĩ nay, khi Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) ban hành Nghị quyết “Tam nông” (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008), Dân biết Đảng đã và đang thực sự quan tâm chăm lo đến đời sống người dân nói chung và người nông dân nói riêng. Và khi Đảng, Nhà nước triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Dân mừng – vì đây là chủ trương, chính sách hợp lòng dân, bởi quan tâm đến phúc lợi của đại đa số người dân đang cần mẫn lao động “một nắng hai sương”, hàng ngày gắn bó với nông nghiệp, nông thôn: Chủ trương đúng – Dân đồng lòng – Phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.
Sau hơn 4 năm triển khai, đến hết năm 2014, cả nước có 785 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 8,8% tổng số xã), có 1.285 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí (chiếm 14,5%), 2.836 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí (chiếm 32,1%), 2.964 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí (chiếm 33,6%), 945 xã đạt dưới 5 tiêu chí (chiếm 11%). Chỉ tính riêng năm 2014, tổng nguồn vốn đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới là hơn 157,8 nghìn tỷ đồng, đáng chú ý trong đó cộng đồng dân cư đóng góp chiếm 11,45%. Điểm lại một số kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới cho thấy: xây dựng nông thôn mới là nhu cầu tất yếu của người dân và được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhận thức đúng chủ trương này, tránh “bệnh thành tích” chạy theo “danh hiệu” xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng chủ yếu là tập trung phát triển cơ sở kết cấu hạ tầng thiết yếu… chưa coi trọng đúng mức các giải pháp phát triển sản xuất theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững, bởi kinh tế có phát triển thì đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn mới thực sự được nâng cao. Đồng thời quá trình xây dựng nông thôn mới cần phải giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống bản sắc của làng quê nông thôn Việt Nam, cần quan tâm vấn đề nước sạch và rác thải ô nhiễm môi trường đang là bức xúc, mối lo của người Dân!
Mặc dù quá trình đô thị hóa đã biến nhiều khu vực nông thôn thành khu đô thị mới, nhưng vẫn còn tới 66,9% dân số cả nước đang sống ở các vùng nông thôn đang rất cần và xứng đáng được hưởng những thành quả tốt đẹp từ chương trình xây dựng nông thôn mới – một chủ trương đúng và hợp lòng dân. Chúng ta tin tưởng Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục ban hành những chủ trương trúng và đúng, sát hợp với thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực và phù hợp lòng Dân. Muốn vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, tích cực tham gia đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp và góp phần vào sự thành công của Đại hội Đảng của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đó là việc làm thiết thực thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Việc gì có lợi cho Dân ta phải hết sức làm…”. Một mùa xuân mới đang về, chúng ta cùng nhau thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.