tin tức sự kiện nổi bật
BƯỚC CHUYỂN MẠNH MẼ CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Ngày đăng: 16:18 06/02/2015 | Lượt xem: 18189
Lê Thị Hà
Phó Bí thư TT- Chủ tịch HĐND huyện
Chương trình số 07-CTr/HU được Huyện ủy Thanh Oai ban hành ngày 15/11/2011 để cụ thể hóa thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và là một trong 5 chương trình công tác trọng tâm của BCH Đảng bộ huyện khóa XXI; là Chương trình vừa mang tính tổng thể vừa trực tiếp cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015. Với sự tập trung chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhất là sự tham gia tích cực của người dân, sau gần 4 năm thực hiện, chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực:
Bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp
1- Toàn huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện thành công công tác dồn điền đổi thửa trên 5.000ha đất sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, giao thông thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, giải phóng sức lao động người nông dân, đưa cơ giới vào sản xuất... gắn quy hoạch các vùng sản xuất lớn. Đây cũng là một bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hướng tới nền sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp và tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chuyển sang phát triển ngành nghề dịch vụ...
2- Xây dựng và phát triển nhiều vùng sản xuất hiệu quả theo quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như 108ha rau an toàn ở Kim An, Thanh Cao, Thị trấn Kim Bài, Xuân Dương..., trên 290ha cây ăn quả ở Cao Viên, Thanh Mai, Kim An, hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản ở Liên Châu, Hồng Dương, Dân Hòa, Tân Ước, 2.640 ha lúa hàng hóa chất lượng cao ở Tam Hưng, Thanh Văn, Mỹ Hưng, Đỗ Động, Bình Minh, Hồng Dương... gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm như "gạo Bồ Nâu", "gạo nếp cái hoa vàng Tam Hưng", "Cam đường Kim An", "Lợn sạch Hoàng Long - Tân Ước", "Trứng vịt Liên Châu"... từ đó góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm.
3- Nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng. Cùng sự hỗ trợ của Thành phố và huyện, các địa phương và nhân dân đóng góp đã rải đá cấp phối 165km đường trục chính nội đồng, các xã tổ chức nạo vét trên 2,6 triệu m3 kênh mương nội đồng... nhiều trạm bơm đã và đang được tiếp tục đầu tư như Trạm bơm Cao Xuân Dương, Trạm bơm Nhân Hiền, Trạm bơm Thạch Nham... nhiều tuyến kênh mương cấp 2, đê kè được đầu tư nâng cấp như kiên cố hóa và kéo dài kênh N5, tu bổ 4/5 tuyến kè sông Đáy và cứng hóa mặt đê Đáy, hệ thống giao thông thủy lợi đã cơ bản chủ động đáp ứng yêu cầu tưới tiêu, giao thông đi lại phục vụ sản xuất của nhân dân.
4- Nhiều cơ chế đầu tư hỗ trợ được quan tâm từ thành phố tới huyện như hỗ trợ DĐĐT, làm giao thông thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, các chương trình sản xuất lúa hàng hóa, rau an toàn, cây ăn quả. Thực hiện Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 của UBND Thành phố Hà Nội tới nay Thành phố đã hỗ trợ cho huyện 108,7 tỷ đồng, đồng thời đang triển khai dự án giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở xã Bình Minh với diện tích trên 4ha; Các cơ chế của huyện hỗ trợ chương trình mua máy làm đất, máy gặt đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hỗ trợ giá lúa giống, bảo vệ thực vật, xây dựng các mô hình mới trong trồng trọt chăn nuôi, tiêm phòng vacxin, ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi, vệ sinh môi trường... riêng năm 2014 ngân sách huyện hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp là 11 tỷ đồng, giúp nhân dân yên tâm đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM)
5- Qua quá trình triển khai thực hiện và kế thừa phát huy những kết quả đạt được từ công tác tuyên truyền và bằng những việc làm cụ thể, nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM đã được nâng cao, xác định là trách nhiệm cả hệ thống chính trị với phương châm nhà nước hướng dẫn hỗ trợ, nhân dân làm chủ phát huy nội lực là chính, là việc làm thường xuyên liên tục để không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người dân, nhân dân phấn khởi tích cực tham gia chung sức xây dựng NTM.
6- Hạ tầng cơ sở nông thôn được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, từ trường học, nhà văn hóa, đường giao thông, công trình thủy lợi, trụ sở làm việc, trạm y tế, hệ thống lưới điện... đã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bộ mặt nông thôn Thanh Oai không ngừng đổi mới, các chương trình được đầu tư xây dựng đảm bảo chất lượng, phù hợp quy hoạch và phát huy giá trị sử dụng, được nhân dân ghi nhận đánh giá cao. Trong 4 năm qua giá trị đầu tư từ các chương trình cho xây dựng cơ sở hạ tầng từ ngân sách Nhà nước đạt 1.800 tỷ đồng.
7- Chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục không ngừng được nâng cao, đến hết năm 2014 đã có 30 trường học đạt chuẩn quốc gia, 16 trạm y tế xã đạt chuẩn theo tiêu chí mới, nhiều xã có trên 70% người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Các giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được giữ gìn phát huy, lễ hội Bình Đà (thờ Thánh tổ Lạc Long Quân) được đưa vào danh mục "Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia". Toàn huyện có 87 làng (chiếm 73,7% số làng) được công nhận làng văn hóa, trong đó riêng năm 2014 có 11 làng được công nhận lần đầu và 16 làng được tái công nhận làng văn hóa, số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 86%, có 4 xã Hồng Dương, Cao Dương, Dân Hòa, Phương Trung đạt chuẩn văn hóa NTM và Thị trấn Kim Bài đạt chuẩn văn minh đô thị. Môi trường được quan tâm bảo vệ, rác thải sinh hoạt được thường xuyên thu gom đưa đi xử lý đạt 80%. Số hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 90%.
8- Dân chủ được mở rộng và phát huy với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", người dân hăng hái phấn khởi tham gia đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương. Nhân dân ủng hộ 46,5 tỷ đồng và trên 20.000m2 đất ở, hàng chục ha đất nông nghiệp để mở rộng và nâng cấp đường làng ngõ xóm, đường nội đồng, mở rộng diện tích trường học, tu sửa công trình văn hóa tâm linh...
Hệ thống chính trị được củng cố, đội ngũ cán bộ được trưởng thành cả về lý luận và thực tiễn, lòng tin của dân đối với Đảng và chính quyền được tăng cường. An ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Đến nay có 19/21 = 90,5% số xã, thị trấn đạt chuẩn, còn 2 xã cơ bản đạt về tiêu chí hệ thống chính trị.
Đời sống nông dân được nâng cao
9- Bằng những biện pháp tổng hợp, cùng sự giúp đỡ hỗ trợ của các cấp các ngành và sự vươn lên của các hộ, đã có 18/21 xã, thị trấn cơ bản đạt tiêu chí lao động có việc làm thường xuyên 90%. Năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo còn 3,03% (năm 2010 là 11,42%), thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/năm (năm 2010 là 14,6 triệu).
Kết quả nổi bật và nhiệm vụ tiếp theo
10- Qua kiểm tra đánh giá đã có 20/21 xã, thị trấn đạt và cơ bản đạt 10 tiêu chí trở lên, trong đó 3 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí NTM là Hồng Dương, Cao Dương, Dân Hòa; 8 xã đạt chuẩn trên 14 tiêu chí. Cán bộ và nhân dân huyện Thanh Oai phát huy những kết quả đã đạt được phấn đấu đến năm 2015 có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2020 các xã còn lại cơ bản đạt 19/19 tiêu chí và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, nâng cao chất lượng các xã đã đạt chuẩn góp phần xây dựng quê hương Thanh Oai giàu đẹp, văn minh./.