TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT

Thanh Oai: Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ngày đăng 07/08/2024 | 12:50  | Lượt xem: 145

Thực hiện Kế hoạch số 94-HU/KH ngày 25/9/2022 của Huyện ủy Thanh Oai về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội. UBND huyện Thanh Oai xây dựng kế hoạch số 215/KH-UBND ngày 16/7/2024 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện đến năm 2025.

Theo kế hoạch huyện Thanh Oai tiếp tục thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền đến các cấp, các ngành, cơ sở, đơn vị, cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, quan điểm, mục tiêu, vai trò, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn huyện; là ngành kinh tế công nghiệp quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện, hòa mình với sự phát triển chung của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Xác định những tiềm năng, lợi thế, tài nguyên sẵn có của huyện để tập trung đầu tư, lựa chọn phát triển ngành CNVH phù hợp.

 Tập trung phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh, các công trình văn hóa, di sản, con người Thanh Oai, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa trong quá trình giao lưu, hội nhập; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của huyện. Đẩy mạnh phát triển du lịch, biến các giá trị di sản thành tài sản trong phát triển kinh tế xã hội của huyện.

 Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung Nghị quyết của Thành ủy, Kế hoạch của UBND Thành phố và Huyện ủy, xác định rõ trách nhiệm cụ thể và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn để triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra; gắn việc thực hiện Kế hoạch này với các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của mỗi ngành, mỗi đơn vị, địa phương.

 Việc xây dựng, phát triển ngành công nghiệp văn hóa phải được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện và Thành phố bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ để tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, có chất lượng; theo hướng xanh - văn minh - hiện đại - bền vững; đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của nhân dân.

Mục tiêu chung: Phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa theo định hướng của Thành uỷ Hà Nội, phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình và đặc trưng riêng của huyện; đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng phát triển về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của huyện và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hoá đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hoá của người dân; góp phần quảng bá hình ảnh, con người Thanh Oai.

 Mục tiêu đến năm 2025

 Ngành công nghiệp văn hóa huyện trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; Hoàn thành, rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa vào quy hoạch chung của huyện đến năm 2030, tầm nhìn 2050; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất tại các địa phương có thế mạnh về du lịch để phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch; Phấn đấu doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm tạo nhiều việc làm, nâng cao năng lực hưởng thụ văn hóa cho nhân dân.

Đầu tư, tôn tạo hệ thống các thiết chế văn hoá, các di tích lịch sử văn hoá; ưu tiên đầu tư và phát triển một số ngành có lợi thế, tiềm năng gồm: du lịch văn hoá, lễ hội, di tích, làng nghề, thủ công mỹ nghệ…

 Mục tiêu đến năm 2030

 Ngành công nghiệp văn hóa huyện trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực khác; Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa tăng nhanh, tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, nâng cao năng lực hưởng thụ văn hóa của người dân; Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Mục tiêu đến năm 2045

 Ngành công nghiệp văn hóa huyện phát triển toàn diện là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Thanh Oai có chất lượng cuộc sống cao; nền kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, bền vững. Nhân dân có chất lượng, cuộc sống cao; Hình thành một số công trình văn hoá mới của huyện, mang tính biểu tượng văn hoá.

Ngoài các mục tiêu trên, huyện Thanh Oai tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Thành phố triển khai thực hiện các mục tiêu chủ yếu được đề ra tại Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 12/8/2022, Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 25/4/2024 của UBND Thành phố về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội.

 Nhiệm vụ tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về Công nghiệp văn hóa

 Tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, Kế hoạch của UBND Thành phố, Kế hoạch của Huyện ủy, UBND huyện Thanh Oai đến cán bộ chủ chốt, công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc huyện nhằm thống nhất nhận thức và hành động, triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển Công nghiệp văn hóa.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển các ngành Công nghiệp văn hoá để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, nhân dân trên địa bàn đầu tư, phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa. Tăng tần suất tuyên truyền trong lĩnh vực Công nghiệp văn hóa: Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên đài phát thanh của huyện, xã; Cổng thông tin điện tử, kênh Zalo của huyện, xã..., xây dựng các clip ngắn tuyên truyền tập trung vào các ngành có lợi thế của huyện như: làng nghề, thủ công mỹ nghệ, điểm du lịch tâm linh, ẩm thực trên nền tảng số, các mạng xã hội. Từ đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng, phát triển Công nghiệp văn hóa để huyện Thanh Oai sớm trở thành một trong những huyện có dịch vụ du lịch, văn hóa của phát triển của Thủ đô.

 Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về phát triển Công nghiệp văn hóa. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về CNVH cho cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn huyện nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm, nhiệm vụ phát triển ngành CNVH.

Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế Thanh Oai chú trọng đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Phát triển đội ngũ nghệ nhân nghề giỏi, thợ giỏi; tạo điều kiện để các nghệ nhân tham gia công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy, quảng bá nghề đặc biệt là đối với một số nghề thủ công truyền thống là thế mạnh của huyện như: nón lá làng Chuông; điêu khắc Thanh Thùy, lồng chim Dân Hòa…

Phát động các cuộc thi khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo và phát huy trí tuệ, biến ý tưởng thành các tác phẩm thực tế, có giá trị ứng dụng cao, trở thành nguồn lực phục vụ phát triển ngành CNVH của huyện.

Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số phát triển, giới thiệu, quảng bá ngành CNVH có tiềm năng, thế mạnh; Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao, thiết kế mẫu mã sáng tạo, đặc trưng, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng dịch vụ, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước. Thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa. Áp dụng các thành tựu khoa học để triển khai số hoá, xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu với đầy đủ các tính năng, nội dung về di sản văn hoá, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa để quản lý, kết nối, chia sẻ, quảng bá thông tin đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước.

 Thu hút và hỗ trợ đầu tư, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào các công trình, dự án lớn, các hoạt động sáng tạo văn hoá, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hoá, hình thành hệ thống không gian văn hoá nghệ thuật, quảng bá sản phẩm, chủ động mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành các sản phẩm mới, tạo thành nơi hội tụ của các sản phẩm văn hoá có tính thương hiệu.

 Phát triển thị trường công nghiệp văn hoá, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề (nón Chuông, điêu khắc Thanh Thùy, lồng chim Dân Hòa, tương Cự Đà), các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống (chùa Bối Khê, Đình Nội Bình Đà, làng cổ Cự Đà), nông trại giáo dục, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng homestay dọc bên Đầm Thượng Thanh... Đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác các khu vực, tham gia phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan thuộc Thành phố trong triển khai các sáng kiến của Hà Nội đã cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo. Phối hợp các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện một số Đề án, Dự án; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm nhìn xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” gắn với truyền thống văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến, danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”. Tăng cường các hoạt động giao lưu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm có tính thiết kế sáng tạo, ứng dụng và thương mại cao.

THỜI TIẾT