NGƯỜI THANH OAI XA QUÊ
LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN NGUYỄN TRỰC
Ngày đăng: 11:03 18/05/2018 | Lượt xem: 4041
Vùng quê Thanh Oai từ xa xưa đã nổi tiếng là đất hiếu học. Ở đó, qua bao thế hệ đã sinh thành ra những người con tài hoa, làm rạng danh cho quê hương đất nước. Trong 46 nhà khoa bảng trên mảnh đất Thanh Oai thì Trạng nguyên Nguyễn Trực là người được ghi danh đầu tiên trên bia đá đề danh tiến sĩ tại văn miếu Quốc Tử Giám ngày nay.
Nguyễn Trực tự Công Dĩnh, hiệu Hu Liêu sinh năm 1417, nguyên quán làng Bối Khê huyện Thanh Oai, sau theo mẹ lên ở làng Nghĩa Bang huyện Quốc Oai.
Ông nổi tiếng học giỏi từ nhỏ, năm 18 tuổi đỗ đầu thi Hương ở Sơn Tây, năm 26 tuổi đỗ Đình nguyên khoa Nhâm Tuất (1442). Ông là Trạng nguyên đầu tiên của triều Lê và là người đứng đầu trong các bia Tiến sĩ ở Văn Miếu. Năm 1444 ông được cử đi kinh sứ Trung Hoa, gặp khoa thi được mời dự thi, ông lại đỗ Trạng nguyên. Về nước ông được vua ban 8 chữ “Thánh công danh văn, Bắc triều hiền ngã”, lịch sử ghi ông là Lưỡng quốc trạng nguyên, ông làm quan dưới triều Lê Nhân Tông, khi vua Nhân Tông bị giết, ông làn bài văn tế lời lẽ thống thiết, rồi ông cáo bệnh xin về. Đến triều Lê Thánh Tông lại được vời ra nhận chức Thừa chi ở viện Hàn lâm, kiêm Tế tửu Quốc tử giám, nhiều lần xin trí sĩ mà không được.
Nguyễn Trực có văn tài, học hành, thường làm thuốc cứu dân, sĩ tử khắp nơi kéo về thụ giáo có tới hàng ngàn, vua Thánh Tông thì kính trọng đến mức sai đem bộ Thiên nam dư hạ tập đến tận chỗ ông ở làng đình Hoàn Bích để ông tiện phê duyệt. Ông cũng là văn thần được bình thơ của vua Lê Thánh Tông trước khi có hội Tao Đàn. Tác phẩm của ông có Hu Liêu tập, Ngụ nhân tập, Kinh nghĩa chư văn tân tập, nhưng hiện nay đều thất lạc chỉ còn 6 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục. Bài văn Đình đối của ông cũng rất nổi tiếng.
Dưới thời Lê, đất nước thanh bình, thịnh trị. Nguyễn Trực bày tỏ ước mong một xã hội tốt đẹp có vua sáng tôi hiền như với thời vua Nghiêu, vua Thuấn. Trong Xuân đài phú (Bài phú đài xuân), Nguyễn Trực dùng biểu tượng Đài xuân để thể hiện niềm vui mừng trước cảnh thanh bình của đất nước. Theo ông, “đài này không nền, không móng, không dựng, không xây”, không cần phí công nện đắp, không cần muôn vàn của cải tiền tài. Nguyễn Trực cho rằng cơ sở để xây dựng Đài xuân cho đất nước, để có một nền thịnh trị lâu bền cần có vua sáng tôi hiền, “trăm quan tề tựu quanh vua đều có phong thái của bậc sĩ quân tử”. Trong bài luận thi Đình, ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sử dụng nhân tài, phân biệt rạch ròi giữa kẻ tiểu nhân và bậc chính nhân quân tử. Nguyễn Trực là người đầu tiên mở ra danh vị Khôi nguyên của nước Việt, văn chương rạng rỡ một thời. Nhắc đến tên tuổi của ông là người đời nghĩ đến một nơi kết tụ sự hiểu biết của các triều vua điển văn học thuật ở chốn Hàn Lâm.
Sau này, khi về già, Nguyễn Trực thể hiện niềm mong muốn rất mực là được quay về thôn quê sống cuộc đời giản dị, tránh xa những tục lụy của cuộc đời làm quan nhiều bon chen chốn kinh thành. Dù cho lịch sử dân tộc đã trải qua những biến cố thăng trầm, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Trực mãi là dấu son chói ngời trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, rạng danh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Là người con trung nghĩa vẹn toàn của Thăng Long, Nguyễn Trực được người dân đời đời ghi nhớ. Ngày nay nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực ở thôn Bối Khê xã Tam Hưng Huyện Thanh Oai được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Tên của ông cũng được đặt cho một con phố ở Hà Nội và ngay tại quê hương Thanh Oai cũng có một trường mang tên ông - Trường Trung Học Cơ Sở Nguyễn Trực, nay là Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trực – Thị trấn Kim Bài.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy