kinh tế
Thanh Oai triển khai phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2018
Ngày đăng: 14:29 11/05/2018 | Lượt xem: 10667
Sáng ngày 11/5/2018, UBND huyện Thanh Oai tổ chức hội nghị triển khai phương án phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn; kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2018, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Về dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội; đồng chí Đinh Trường Thọ, Thành ủy viên, Bí thư huyện ủy; đồng chí Nguyễn Văn Bổng, Phó Bí thư thường trực huyện ủy; đồng chí Bùi Văn An, UVBTV, Chủ tịch HĐND huyện; các đồng chí trong BCH đảng bộ huyện; thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện; các đồng chí trong Ban chỉ huy phòng chống thiên tai huyện, Ban chỉ đạo sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2018; trưởng các phòng ban cấp huyện; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND, HĐND, Giám đốc HTXNN xã thị trấn.
Đồng chí Bùi Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện triển khai phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2018
Huyện Thanh Oai có diện tích tự nhiên là 12.386 ha, trong đó diện tích cấy lúa 2 vụ hơn 6.500 ha. Huyện có 9 xã nằm ven sông Đáy, trong đó xã Kim An nằm gọn trong vùng bãi chịu ảnh hưởng khi có phân lũ, 8 xã có một phần dân sinh và diện tích canh tác thuộc vùng lòng sông gồm: xã Cao Viên, Thanh Cao, Thanh Mai, TT Kim Bài, Kim Thư, Phương Trung, Cao Dương, Xuân Dương. Với mục tiêu chung đảm bảo an toàn các tuyến đê, kênh, kè, cống, đảm bảo an toàn tính mạng tài sản của nhân dân, của nhà nước, đảm bảo thắng lợi trên mặt trận sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Ngay từ đầu năm 2018, UBND huyện đã tập trung xác định các công trình thuỷ lợi trọng điểm và triển khai xây dựng kiên cố, đặc biệt là hệ thống đê, kè, các hồ chứa, các khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực có nguy cơ ngập úng…Với phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy chủ động phòng, chánh là chính và thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ hiệu quả: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Theo đó, huyện sẽ tập trung thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, cụ thể: Kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các tiểu ban giúp việc; triển khai nghiêm túc công tác trực ban, thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo định kỳ hàng tháng và báo cáo đột xuất trong và ngay sau các đợt bão, mưa lớn, lũ; xây dựng các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương; thực hiện rà soát, thống kê đảm bảo dự trữ đầy đủ cơ số vật tư, phương tiện; đảm bảo dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, dự trữ thuốc khử trùng nước uống và khử trùng môi trường. Hiệp đồng chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan để ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tại hội nghị, huyện Thanh Oai cũng triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa, định hướng sản xuất vụ đông năm 2018. Theo đó, vụ mùa năm 2018, huyện phấn đấu gieo cấy 6.592 ha, năng suất phấn đấu đạt trên 60 tạ/ha, sản lượng trên 39.550 tấn. Cơ cấu giống chủ yếu Khang dân, Thiên ưu 8, TBR 225.. cấy khoảng 60% diện tích; các giống lúa lai CNR36, TH 3-5 cấy khoảng 10% diện tích; các giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, nếp cái hoa vàng, nếp 87, 97.. cấy khoảng 30% diện tích. Toàn huyện phấn đấu cấy xong toàn bộ diện tích lúa mùa trước ngày 30/6/2018 để phòng tránh mưa úng đầu vụ làm ngập lúa mới cấy. Đối với cây màu hè thu toàn huyện phấn đấu trồng 355ha, trong đó ngô 115 ha, năng suất 55 tạ/ha, sản lượng 633 tấn; khoai lang 121 ha, năng suất 155 tạ/ha, sản lượng 1.875 tấn; rau, đậu các loại 119ha, năng suất 130 tạ/ha, sản lượng 1.547 tấn. Thời vụ trồng từ đầu tháng 6 đến ngày 15/7/2018. Đối với cây vụ động 2018-2019, toàn huyện phấn đáu gieo trồng 2.000 ha, xấp xỉ 30% diện tích đất canh tác. Toàn huyện sẽ chủ động khắc phục khó khăn, bám sát diễn biến thời tiết, ưu tiên các giải pháp kỹ thuật và tổ chức sản xuất vụ mùa, vụ đông gắn với việc thực hiện các nội dung tái cơ cấu nông nghiệp; định hướng các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa mùa, trồng các cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất và đạt kết quả cao.
Sau khi nghe các báo cáo hội nghị đã tập trung thảo luận làm rõ kết quả cũng như những tồn tại trong không tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, công tác sản xuất vụ mùa 2018 và phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Đồng chí Nguyễn Huy Diệp, UVBTV, Phó chủ tịch UBND huyện kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Diệp, Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị, trong thời gian tới các đơn vị có liên quan và UBND các xã cần bám sát phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn của huyện để xây dựng, kiện toàn phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn cho đơn vị, địa phương mình; kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các công trình thủy lợi trên địa bàn và có phương án khắc phục sữa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; rà soát, kiểm kê vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Đối với công tác sản xuất tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh cho lúa xuân 2018, phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng để đạt hiệu quả cao. Tập trung đẩy mạnh công tác thu hoạch khi lúa chín để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ mùa. Đối với vụ mùa tùy điều kiện từng xã, từng xứ đồng, chân đất để bố trí các giống, cơ cấu giống cho phù hợp; đẩy mạnh thâm canh, áp dụng các tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất; coi trọng công tác phòng trừ sâu bệnh bảo vệ cây trồng vụ mùa, hè thu, làm tốt công tác dự tính, dự báo. Toàn huyện phấn đấu gieo trồng hết diện tích trong khung thời vụ tốt nhất, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Nhân dịp này, UBND huyện khen thưởng 3 tập thể HTXNN xã Cao Dương, xã Hồng Dương, Đỗ Động có thành tích xuất sắc trong sản xuất vụ xuân năm 2018.
Trung tâm VHTT&TT huyện