HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

GƯƠNG BỘ ĐỘI CỤ HỒ DŨNG CẢM CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM NĂM XƯA
Publish date 16/07/2024 | 09:38  | Lượt xem: 48

GƯƠNG BỘ ĐỘI CỤ HỒ DŨNG CẢM CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM NĂM XƯA

Trong không khí Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024). Được sự giới thiệu của anh Nguyễn Văn Toán, phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với ông Nguyễn Đình Đạt, Thương binh hạng ¼ đang sinh sống tại Tổ 2, phố Kim Bài – người đã trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc cách đây gần 50 năm về trước.

 

 

Ông Nguyễn Đình Đạt sinh năm 1958 quê xã Kim an, tháng 9/1976 nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như bao thanh niên khác cùng trang lứa lúc bấy giờ, ông đã xung phong lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi với bao khát vọng của tuổi trẻ được dấn thân cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của đất nước. Ở thời điểm đó, tuy miền Nam nước ta đã được giải phóng, nhưng nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Tây Nam lại hết sức nặng nề trước sự tấn công của Pol pốt, cũng như nước ta phải làm nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Cam puchia để thoát khỏi nạn diệt chủng. Sau một thời gian ngắn huấn luyện tại Trường sĩ quan biên phòng Sơn Tây, ông cùng đồng đội nhận lệnh đột xuất lên đường vào Nam để tăng cường cho biên giới Tây Nam và được biên chế vào đơn vị đồn Biên phòng 811 thuộc xã Vĩnh Hội, huyện Phúc Châu, tỉnh An Giang. Khi được hỏi về nhiệm vụ được giao và những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời quân ngũ, sau ít phút hồi tưởng và như thể ông đang nhớ đến những đồng đội của mình đã ngã xuống năm xưa, những ký ức của một thời lại ùa về, ông xúc động kể lại: Đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ vượt sông để giữ chốt, từ chốt đóng quân đến biên giới khoảng gần 200 m, đây là khu vực đồng bằng, xung quanh toàn ruộng lúa, sình lầy, đặc biệt nguy hiểm nhất là phía KhmeĐỏ đặt một khẩu đại liên lúc nào cũng hướng nòng về phía chốt có thể nhả đạn bất cứ lúc nào. Cùng với đó là nhiệm vụ truyền thông kêu gọi binh lính Pol pốt hạ vũ khí về với gia đình. Một trong những kỷ niệm sâu sắc, đáng nhớ nhất đó là vào đêm 16/12/1977, tiếng súng từ bên kia biên giới vang lên, đạn bắn như mưa về phía chốt, ông đã nhanh chóng chạy vào hầm báo động, đồng thời báo cáo chỉ huy xin tăng viện. Cũng tại trận đánh này, ông bị thương nặng do quân Pol pốt bắn 4 viên đạn làm thấu bụng, đứt 11 đoạn ruột, cộng với hai mảnh lựu đạn găm vào người, gãy 1/3 cánh tay phải, 1/3 trên xương đùi trái. Những tưởng đã nằm lại nơi chiến trường do vết thương quá nặng: “Hưởng ơi, nếu có gì, nhớ mang ba lô này về đưa cho bố mẹ tôi nhé” – đó là lời của ông dặn đồng đội mình trong lúc sức khỏe lâm nguy. Nhưng thật may mắn thay, ông đã được anh Tăng Văn Thanh cùng đồng đội, quê Nghệ An cõng đi cấp cứu, kịp thời đưa đến trạm quân y tiền phương. Tại đây, ông đã được cứu sống, tiếp sau đó ông được chuyển qua nhiều bệnh viện quân đội phía Nam và ra miền Bắc điều trị tại Bệnh viện Quân y 108 và đến tháng 10 năm 1980 ông được xuất ngũ trở về địa phương trong niềm vui mừng của gia đình, xóm làng và quê hương.

 Phát huy bản chất tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ, trở về với cuộc sống đời thường, ông Nguyễn Đình Đạt luôn nỗ lực cố gắng vượt lên trên những thương tật để tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của gia đình, quê hương. Đặc biệt điều đáng ghi nhận ở người cựu chiến binh, thương binh gương mẫu này là năm 1994 ông được nhân dân tín nhiệm giới thiệu tham gia làm Tổ trưởng tổ dân phố Kim Bài đúng với thời điểm Thị trấn Kim Bài mới được thành lập. Năm 1995 ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với đó, để phát triển kinh tế và phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình, ông cùng gia đình đã thành lập doanh nghiệp vàng bạc Tiến Đạt tại phố Kim Bài.

Nhìn cánh tay phải của ông không còn nguyên vẹn do hậu quả của chiến tranh mới thấy hết sự hy sinh của ông, cũng như bao đồng đội khác cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Tấm gương sáng thương binh, hội viên Cựu chiến binh như ông Nguyễn Đình Đạt nêu trên thật đáng trân quý, ghi công để thế hệ trẻ của Thị trấn Kim Bài hôm nay học tập và noi theo.

                                                                                    Trần Văn Nam

                                                                                   Ban Tuyên giáo

THỜI TIẾT