GIÁO DỤC - Y TẾ
Được tham quan, nghe thuyết minh về di tích lịch sử và trải nghiệm thực tế về làng nghề truyền thống ngay chính trên mảnh đất Thanh Oai, đã giúp học sinh có thêm nhiều kiến thức bổ ích, thú vị và nhân lên niềm tự hào và lan tỏa tình yêu quê hương đất nước.
Ngày 6/12 Liên ngành Phòng Giáo dục và đào tạo - Huyện đoàn – Liên đoàn lao động – Hội Liên hiệp phụ nữ - Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Thanh Oai cùng các đơn vị đồng hành tổ chức Chương trình tìm hiểu lịch sử và trải nghiệm làng nghề trên địa bàn huyện Thanh Oai năm học 2024-2025.
Tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Thị Hảo, Huyện ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện; đồng chí Nguyễn Thúy Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; đồng chí Phạm Thị Hồng Nhung – Giám đốc TT Văn hoá thông tin và thể thao; đồng chí Nguyễn Thị Minh Nguyện, Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện; đồng chí Nguyễn Thị Anh Đào – Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện; đồng chí Đào Oanh Oanh – Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Thu Hằng – Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện; đại diện lãnh đạo xã Phương Trung; Ban giám hiệu các trường Tiểu học trong toàn huyện; các thầy cô giáo và gần 600 học sinh của trường Tiểu học Cự Khê.
Thanh Oai – Điểm về nguồn cội, kết nối con đường di sản Nam Thăng Long
Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của các di tích, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Oai đang được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng các cấp các ngành và nhân dân triển khai thực hiện. Toàn huyện hiện có 266 di tích, trong đó có 146 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, Trong đó có 70 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia và 76 di tích được xếp hạng cấp Thành phố. Cùng với đó Thanh Oai còn nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống, có 46 làng nghề được công nhận. Không những vậy, huyện Thanh Oai còn có nhiều thế mạnh về du lịch nông nghiệp sinh thái với các điểm đến cảnh quan đẹp, như: Khu đầm Thanh Cao - Cao Viên, vườn cây ăn quả tại 7 xã ven sông Đáy…Đây là những điểm nhấn để Thanh Oai thúc đẩy, phát huy nguồn lực, trở thành điểm kết nối các tuyến du lịch riêng biệt về văn hóa, di sản, làng nghề, sinh thái "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội" với điểm khởi đầu là các di tích nổi tiếng tại huyện Thanh Oai.
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/HU của Huyện ủy về “Phát triển văn hóa, du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Thanh Oai, Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” gắn với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nằm trong chuỗi hoạt động ý nghĩa của chương trình giáo dục địa phương và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng phát triển kỹ năng sống và hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Chương trình Tìm hiểu di tích lịch sử và trải nghiệm làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Oai. Một sự kiện đặc biệt được khởi động trong năm học 2024 -2025 để cùng gắn kết giữa giáo dục, văn hóa, lịch sử và tạo cơ hội quý báu để bồi đắp tình yêu, niềm tự hào cho thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm trân quý những giá trị truyền thống của quê hương.
Khai mạc chương trình đồng chí Nguyễn Thị Anh Đào – Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai khẳng định: Thanh Oai – mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa – từ lâu đã được biết đến với những di tích lịch sử như chùa Bối Khê, đền Nội Bình Đà, hay những làng nghề truyền thống như nón Chuông, điêu khắc gỗ Thanh Thùy, miến Cự Đà và rất nhiều làng nghề tiêu biểu khác. Những giá trị văn hoá, lịch sử này không chỉ là minh chứng cho sự tài hoa và sáng tạo của cha ông ta mà còn là di sản vô giá, kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây là những tư liệu sống động để giáo dục thế hệ trẻ về lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống.
Chương trình trải nghiệm thực tế mang ý nghĩa thiết thực, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về lịch sử và văn hóa quê hương; Rèn luyện kỹ năng mềm, như làm việc nhóm, quan sát và trân trọng di sản; Phát triển phẩm chất và năng lực theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thông qua việc tìm hiểu về các di tích lịch sử trên địa bàn huyện, cùng trải nghiệm các hoạt động, các em sẽ nhận thức rõ hơn về trách nhiệm giữ gìn và phát huy các giá trị di sản, đóng góp sức mình vào sự phát triển bền vững của quê hương Thanh Oai.
Để chương trình phát huy hiệu quả lâu dài, lan tỏa và nhân rộng, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Anh Đào mong muốn các đơn vị cấp Tiểu học cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, lồng ghép nội dung về di sản văn hóa vào các môn học và hoạt động ngoại khóa trong nhà trường. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế để học sinh hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa địa phương. Có ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản: Tiến hành bảo vệ các di tích và làng nghề truyền thống bằng những biện pháp thiết thực, hiệu quả để gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững. Đồng thời phát huy vai trò của thế hệ trẻ, khuyến khích động viên học sinh chủ động tham gia các chương trình, tích cực lan tỏa ý thức bảo tồn văn hóa đến cộng đồng. Nhắn nhủ tới các em học sinh hãy tích cực tham gia học hỏi, thể hiện sự hiểu biết, mến khách là những đại sứ văn hóa, du lịch để lan tỏa niềm tự hào dân tộc đến bạn bè và người thân xung quanh giống như lời Bác Hồ kính yêu đã từng dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tuỳ theo sức của mình”.
Lan tỏa niềm tự hào trên quê hương Thanh Oai
Được tham gia các hoạt động tìm hiểu về nguồn cội, dâng hương nghe thuyết minh di tích lịch sử Đền Nội Bình Đà xã Bình Minh, nơi thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và những bảo vật, những giá trị mang đậm bản sắc văn hoá gắn liền với truyền thuyết về buổi đầu dựng nước 50 người con trai theo mẹ Âu Cơ lên miền núi rừng, 50 người con trai xuống biển cùng cha Lạc Long Quân. Nơi đây còn có lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với các hoạt động trải nghiệm làng nghề tại sân Đình làng Chuông xã Phương Trung nơi gìn giữ và lưu truyền nghề nón lá làng Chuông.
Em Đặng Hà Linh – Học sinh lớp 5D trường Tiểu học Cự Khê chia sẻ đầy cảm xúc, sâu sắc và đầy tự hào về chuyến hành trình giàu ý nghĩa: Hôm nay, chúng em rất vui và vinh dự khi được tham gia chương trình tìm hiểu di tích lịch sử và trải nghiệm làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Oai. Đây là một dịp thật đặc biệt để chúng con bước ra ngoài lớp học, được quan sát, khám phá và cảm nhận trực tiếp những nét đẹp của quê hương mình. Nhận thấy quê hương Thanh Oai như một cuốn truyện cổ tích sống động. Những ngôi đình, đền, chùa cổ kính giống như những người kể chuyện thầm lặng, ghi dấu bao câu chuyện về lịch sử, về ông bà tổ tiên đã sống và dựng xây mảnh đất này. Các làng nghề truyền thống, với những đôi tay khéo léo của các bác, các cô nghệ nhân, lại như những phép màu, biến tre, gỗ, hay sắt thép, từ những vật dụng đơn giản, thường gặp thành những món đồ vừa đẹp, vừa hữu ích và có giá trị cao. Mỗi nơi chúng con đến đều khiến chúng con thêm tò mò, thích thú và tự hào về quê hương của mình. Qua chương trình hôm nay, chúng em không chỉ học được những điều mới mẻ về văn hóa, lịch sử mà còn hiểu hơn về sự chăm chỉ, sáng tạo và tình yêu quê hương của những người đi trước. Là thế hệ măng non của quê hương Thanh Oai, chúng em nhận thấy cần có những đóng góp công sức nhỏ bé của mình trong việc bảo vệ và gìn giữ những giá trị ấy để không ngừng lan tỏa niềm tự hào về quê hương Thanh Oai tươi đẹp và giàu bản sắc văn hóa.
Khám phá vẻ đẹp “vùng đất địa linh nhân kiệt”
Thanh Oai nằm ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội được kiến tạo là điểm khởi đầu cho tuyến du lịch Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội – Điểm về nguồn cội. Nơi đây được mệnh danh là “vùng đất địa linh nhân kiệt” với nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời và con người thân thiện, mến khách. Mỗi di tích, mỗi làng nghề không chỉ là kho báu quý giá về văn hóa, lịch sử, mà còn là biểu tượng của tinh thần dân tộc và sức mạnh của truyền thống. Thanh Oai hôm nay đang đẩy mạnh kết nối, phát huy tính liên kết để bảo tồn và phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Trong niềm hân hoan và tự hào về quê hương giàu truyền thống, khẳng định chương trình “Tìm hiểu di tích lịch sử và trải nghiệm làng nghề trên địa bàn huyện Thanh Oai” có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ kết nối chúng ta với lịch sử, văn hóa, mà còn mở ra cơ hội để khám phá, học hỏi, và nuôi dưỡng tình yêu với những giá trị di sản mà cha ông đã gìn giữ qua bao thế hệ. Hiệu trưởng trường Tiểu học Cự Khê Nguyễn Thị Nam cho rằng: Chương trình hôm nay mang đến cho các em học sinh và thế hệ trẻ của huyện nhà cơ hội đặc biệt để hiểu rõ hơn về những giá trị ấy. Qua các hoạt động tìm hiểu và trải nghiệm thực tế, chúng ta không chỉ tri ân công lao cha ông mà còn nhận thức rõ trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy di sản của quê hương.
Đây cũng là dịp để các em học sinh và đoàn viên thanh niên rèn luyện ý thức, bồi đắp niềm tự hào và phát triển tinh thần sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của địa phương. Với tinh thần cao nhất Nhà trường cùng toàn ngành giáo dục luôn đồng hành cùng các cấp, các ngành, nhân dân địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên và học sinh để học hỏi, tiếp thu kiến thức, và hòa mình vào các hoạt động gìn giữ, lan tỏa giá trị di sản, góp phần giữ vững bản sắc quê hương chung tay xây dựng phát triển kinh tế làng nghề, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, góp phần tích cực xây dựng quê hương Thanh Oai tiếp tục tỏa sáng, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
TIN TỨC MỞI Nhất
- Chi bộ thôn Bãi II, xã Cao Viên tổ chức đại hội chi bộ điểm, nhiệm kỳ 2025- 2027
- TỔNG KẾT HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI, NHÂN VIÊN NUÔI DƯỠNG GIỎI CẤP HỌC MẦM NON, NĂM HỌC 2024 -2025
- Chi bộ thôn Cự Đà, xã Cự Khê tổ chức Đại hội Chi bộ điểm, nhiệm kỳ 2025 -2027
- Thanh Oai khai mạc Festival nông sản, sản pham Ocop Hà Nội năm 2024
- Thanh Oai gặp mặt cán bộ cấp tá Quân đội đã nghỉ hưu, nghỉ công tác nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân
- Hội nghị đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, giải quyết TTHC lần thứ nhất năm 2024 Thực hiện Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 24/01/2024 của UBND huyện Thanh Oai về Tổ chức Hội nghị đối...
- HÀ NỘI: LÊN ĐỜI 20 QUẬN HUYỆN VÀ 5 ĐÔ THỊ TRUNG TÂM, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
- "TAM HƯNG ANH DŨNG" RÀO LÀNG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP CÀN QUÉT
- Thanh Oai: Tập huấn Sách giáo khoa môn Toán và môn Tiếng Việt cho giáo viên lớp 5
- THANH OAI: MÔ HÌNH MÁY TUỐT LÚA “0 ĐỒNG” HỖ TRỢ NÔNG DÂN THU HOẠCH LÚA MÙA