TIN TỨC - SỰ KIỆN TIN TỨC - SỰ KIỆN

KỶ NIỆM 67 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI CHỮ THẬP ĐỎ THÀNH PHỐ HÀ NỘI (23/11/1957 – 23/11/2024)
Publish date 19/11/2024 | 15:20  | Lượt xem: 44

Năm 2024 đánh dấu chặng đường 67 năm lịch sử vẻ vang của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội. Đây là dịp để mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ Thủ đô vinh dự, tự hào ôn lại bề dày truyền thống 67 năm của Hội, đồng thời là cơ hội để mỗi người làm công tác nhân đạo thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong việc kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Thành ủy, UBND Thành phố giao,tiếp tục viết tiếp những trang sử vẻ vang của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội.

HỘI CHỮ THẬP ĐỎ THÀNH PHỐ HÀ NỘI - 67 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội được thành lập ngày 23/11/1957, ra đời từ những năm đầu sau giải phóng Thủ đô, ban đầu gặp rất nhiều khó khăn chỉ có 02 Phân hội, 40 hội viên, cán bộ thường trực, kinh phí, trụ sở của Hội đều dựa vào ngành Y tế; hoạt động còn đơn điệu, chủ yếu tham gia vận động vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh dịch, hỗ trợ người dân đi sơ tán trong chiến tranh, huấn luyện cứu thương và tham gia cứu thương.

Trước những biến động to lớn về lịch sử của đất nước, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ Thủ đô luôn phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong hòa bình, thời kỳ xây dựng đất nước khắc phục hậu quả chiến tranh.

 Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tây được thành lập ngày 6/5/1962, tên gọi ban đầu là Ban Hồng thập tự Hà Đông, gồm đại diện một số ngành liên quan, trong đó ngành Y tế giữ vai trò nòng cốt và là cơ quan Thường trực của Ban, những năm đầu mới thành lập Hội gặp nhiều khó khăn: cán bộ Hội chủ yếu do cán bộ ngành Y tế kiêm nhiệm; hoạt động của Hội còn hạn chế, gắn với một số hoạt động của ngành Y tế như công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh...

Thực hiện Nghị quyết số 15/NQ/QH12 ngày 29/5/2008 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, có hiệu lực từ ngày 1/8/2008. Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã hợp nhất với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tây, tên gọi chung là Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội.

 Trải qua 67 năm xây dựng và phát triển, các cấp Hội Chữ thập đỏ từ thành phố đến cơ sở đã tích cực triển khai thực hiện Luật hoạt động Chữ thập đỏ; Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư TW Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”;  Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới”, Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhiệm kỳ 2022 - 2027, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội lần thứ XI đã đề ra. Với sự nỗ lực cố gắng của toàn Hội, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ Thủ đô năm 2024 tiếp tục đạt được những thành tích nổi bật như:

Tổ chức Hội thường xuyên được củng cố kiện toàn, đến nay Hội Chữ thập đỏ Thành phố và Hội Chữ thập đỏ cấp huyện có 123 cán bộ chuyên trách, trong đó Cấp Thành phố có 20 cán bộ; Cấp huyện có 104 cán bộ); Hội Chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn có 579 cán bộ (515 cán bộ kiêm nhiệm, 64 cán bộ chuyên trách); Các đơn vị trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Thành phố có 03 trung tâm dạy nghề; 01 Trường phổ thông cơ sở dân lập dạy trẻ điếc Hà Nội và 03 Chi hội tán trợ; 116 Hội cơ sở Trung tâm y tế, trường học, cơ quan, doanh nghiệp; 6.981 Chi hội với tổng số hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ 621.293 người (Hội viên 163.288 người; Thanh thiếu niên 445.319 người; Tình nguyện viên 12.686 người); 499 Đội tình nguyện viên.

Kết quả công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội năm sau luôn cao hơn năm trước. Các chương trình, phong trào, cuộc vận động được triển khai hiệu quả gắn với điều kiện thực tiễn của từng cơ sở, tình hình phát triển chung của Thủ đô. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2024, tổng trị giá công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đạt trên 195 tỷ đồng. Đã trợ giúp cho hàng trăm nghìn lượt người có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả đó được ghi nhận trên các mặt công tác như: Phong trào “Tết Nhân ái năm 2024, toàn Hội vận động và trao tặng 127.538 suất quà tới các hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn, trị giá trên 72 tỷ đồng; “Tháng nhân đạo và Kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế 08/5/2024 đã ủng hộ, hỗ trợ được cho trên 48 nghìn trường hợp, trị giá trên 17 tỷ đồng; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã trợ giúp cho 1.907 trường hợp trị giá 3,8 tỷ đồng.

Các cấp Hội Chữ thập đỏ vận động và tặng quà, trao trợ cấp đột xuất, hỗ trợ thường xuyên; tặng học bổng cho học sinh nghèo, trợ vốn, tặng bò, tặng xe lăn, xe đạp, hỗ trợ xây sửa nhà Chữ thập đỏ, tặng sổ tiết kiệm, bảo hiểm y tế và cứu trợ cho nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ cho 58.044 trường hợp, trị giá trên 54 tỷ đồng; cứu trợ, phòng ngừa ứng phó thảm họa cho 1.716 trường hợp, trị giá trên 1,1 tỷ đồng;

Phối hợp tổ chức khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe và cấp thuốc miễn phí tới 19.544 người, trị giá trên 4,2 tỷ đồng; trao tặng 225.810 suất ăn miễn phí, trị giá trên 5,4 tỷ đồng; Sơ cấp cứu và ATGT có 77 điểm SCC đã hỗ trợ sơ cứu ban đầu cho 1286 trường hợp khi gặp biến cố về tai nạn giao thông; tổ chức được 121 buổi truyền thông về phòng chống dịch bệnh, cho 9.973 lượt người; truyền thông lồng ghép về dân số kế hoạch hóa gia đình, biến đổi khí hậu, vệ sinh an toàn thực phẩm cho 2.260 lượt người; Tổ chức 166 lớp tập huấn và truyền thông phổ biến kiến thức về sơ cấp cứu cho 39.925 lượt người; tiếp nhận 313 người đăng ký Hiến mô, hiến tạng và bộ phận cơ thể người, 01 người đã hiến tạng; Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” và “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” đã trợ giúp cho 33.685 người, trị giá trên 11 tỷ đồng. Công tác hiến máu tình nguyện ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, toàn thành phố đã tổ chức tiếp nhận được 221.742 đơn vị máu, trị giá trên 35,4 tỷ đồng.

            67 năm kiên trì, bền bỉ, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ Thủ đô đã vượt mọi khó khăn thách thức, đạt nhiều thành tích xuất sắc đưa công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ ngày càng phát triển, từng bước khẳng định giữ vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong hoạt động nhân đạo, vị thế của Hội Chữ thập đỏ đã được nâng lên một bước. Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì (giai đoạn 1997-2001); Huân chương Lao động Hạng Nhất (giai đoạn 2002-2006); Bằng khen Chính phủ (năm 2016); Cờ Thủ tướng Chính phủ (năm 2017, 2019); Huân chương Độc lập Hạng Ba (năm 2021).

Hướng tới kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; 67 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, các cấp Hội và toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; tổ chức trao tặng suất ăn miễn phí cho các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội; tích cực tham gia ủng hộ đồng bào lũ lụt; thi đua đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, chăm lo, trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, đặc biệt là tập trung thực hiện tốt Phong tràoTết Nhân ái năm 2025 và “Tháng Nhân đạo - 2025; tiếp tục triển khai sâu rộng Phong trào“Người tốt, việc thiện- Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”; Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”; Chương trình “Trường tới trường - Kết nối yêu thương”; Chương trình“Bữa ăn miễn phí”cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện; Chương trình “Khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe và cấp thuốc miễn phí; vận động hiến máu tình nguyện, hiến mô và bộ phận cơ thể người; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa... nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với hoạt động khám bệnh nhân đạo, góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các đối tượng nghèo, gia đình chính sách; ưu tiên các huyện nghèo, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo và tạo thành phong trào thường xuyên tại cộng đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới”; tiếp tục thực hiện Luật hoạt động Chữ thập đỏ; Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/6/2010 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam"; Chiến lược “Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” với chủ đề “Đổi mới vì sự phát triển bền vững”; giới thiệu về Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhiệm kỳ 2022-2027 thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các chủ trương chính sách của Thành ủy, UBND Thành phố về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực nhân đạo, từ thiện ở Thành phố.

Kế thừa và phát huy những thành tích đã đạt được trong 67 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ Hà Nội quyết tâm xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, chuyên nghiệp, thực sự là tổ chức đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo ở Thủ đô, tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội.

MỘT SỐ KHẨU HIỆU TRUYỀN THÔNG

1. Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2024)

2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - Đổi mới vì sự phát triển bền vững

3. Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái

4. Kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội (23/11/1957-23/11/2024)

THỜI TIẾT