TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT

Thanh Oai kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại địa bàn dân cư
Publish date 25/10/2024 | 16:16  | Lượt xem: 111

Thời gian qua, huyện Thanh Oai đã đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống sốt xuất huyết dưới nhiều hình thức đa dạng; đồng thời, các đơn vị đã lan tỏa qua các kênh tuyên truyền, mạng xã hội để góp phần nâng cao kiến thức và các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết cho người dân.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) trên địa bàn huyện đang ghi nhận số ca mắc tăng nhanh trong 02 tuần gần đây. Tuần 41, 42 toàn huyện đều ghi nhận 26,27 ca mắc, tăng 20 ca so với tuần 40 (6 ca). Luỹ tích đến hết ngày 22/10/2024 ghi nhận 195 ca và 17 ổ dịch tại 20/21 xã, thị trấn (trừ Thanh Văn), số mắc gia tăng nhanh chóng, hiện Thanh Oai ghi nhận số mắc cao đứng thứ 6 trên địa bàn Thành phố. Chỉ số giám sát côn trùng tại các xã thường cao vượt ngưỡng nguy cơ. Hiện đang là tháng cao điểm của dịch sốt xuất huyết, dự báo số ca mắc SXHD trong thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.

Xuất phát từ yêu cầu tình hình thực tế, chiều ngày 25/10 đoàn kiểm tra của huyện đã đi kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các xã Hồng Dương, Liên Châu và một số đơn vị khác. Đồng chí Vũ Quỳnh – HUV, Phó chủ tịch UBND huyện chỉ đạo: Trong thời điểm hiện nay, cần xác định công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, tránh để lây lan bùng phát yêu cầu các cấp các ngành liên quan, các xã thị trấn cần quyết liệt kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm các điểm nguy cơ có khả năng phát sinh lăng quăng sinh muỗi gây bệnh sốt xuất huyết tại địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, vận động, hướng dẫn người dân về các biện pháp vệ sinh môi trường, loại bỏ các nơi trú ngụ của muỗi; nâng cao ý thức của người dân, tự giác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; xử lý triệt để các điểm tập kết phế liệu, giám sát chặt chẽ nơi phát sinh của muỗi. Tiếp tục phát huy lực lượng nòng cốt xung kích tham gia thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch ở địa bàn.

Qua kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn các xã Hồng Dương Liên Châu, trên cơ sở đánh giá về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, Phó chủ tịch UBND huyện Vũ Quỳnh đề nghị các xã, thị trấn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch; huy động lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, không chủ quan, lơ là. Trọng tâm là triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết sao cho gần gũi và người dân dễ tiếp nhận. Các tổ, nhóm xung kích diệt loăng quăng, bọ gậy tích cực truyền thông trực tiếp cho người dân về phòng chống sốt xuất huyết bằng hình thức "cầm tay chỉ việc" để người dân nhận thức cần phải xử lý triệt để loăng quăng, bọ gậy, các vật dụng chứa nước trong gia đình. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch tại các hộ gia đình và các thôn; xử lý các ổ dịch cũ và kịp thời khoanh vùng, ngăn chặn ổ dịch mới phát sinh góp phần đẩy lùi dịch trên địa bàn.

Để ngăn ngừa dịch sốt xuất huyết tránh không để bùng phát trên địa bàn huyện, UBND huyện Thanh Oai yêu cầu các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã, thị trấn. Tổ chức triệt để, nghiêm túc vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt bọ gậy đặc biệt tại khu vực có bệnh nhân ổ dịch tổ chức triệt để vệ sinh môi trường, thu gom phế thải diệt bọ gậy hàng tuần. Tiếp tục tăng cường phát thanh tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp tình hình dịch bệnh trên địa bàn thôn, xã và các biện pháp phòng chống để người dân nắm được. Bố trí sẵn sàng nguồn hóa chất diệt muỗi và diệt bọ gậy phục vụ công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh nhiễm vi rút Dengue (DEN) cấp tính do muỗi truyền từ người bệnh sang người lành thông qua việc đốt và hút máu của muỗi. Bệnh có thể gây thành dịch lớn, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người. Bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy (ấu trùng của muỗi) và phòng muỗi đốt.

Triệu chứng sốt xuất huyết: thường có biểu khởi phát ban đầu là sốt cao, đột ngột, không đáp ứng thuốc hạ sốt, có thể chia thành 02 mức độ là: Sốt xuất huyết nhẹ: Triệu chứng SXH thể nhẹ thường bị nhầm lẫn với các bệnh như sốt, cảm hoặc phát ban đỏ. Sốt kèm đau mắt, nhức đầu, phát ban, đau xương, buồn nôn, đau xương khớp,…Người bệnh bị SXH sẽ kéo dài các triệu chứng từ 4 – 7 ngày.

Sốt xuất huyết thể nặng: Xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da; Chảy máu mũi hoặc ở chân răng; Xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu; Nôn ói ra máu hoặc có máu trong phân (do xuất huyết nội tạng); Nôn nhiều, đau bụng, chân tay lạnh ẩm; Người mệt mỏi li bì, choáng. Khi người bệnh chuyển biến sang SXH thể nặng cần được cấp cứu kịp thời, nếu trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng về sau.

Để tích cực, chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng bệnh sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá… để không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch, các chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường. Khi bị sốt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

 

THỜI TIẾT