KINH TẾ - CHÍNH TRỊ KINH TẾ - CHÍNH TRỊ

Những thành tựu nổi bật về kinh tế qua 70 năm xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện
Publish date 14/08/2024 | 10:13  | Lượt xem: 12

Trải qua 79 năm (1945 -2024) dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, và 7 thập kỷ xây dựng và phát triển, Thanh Oai có những bước chuyển mình mạnh mẽ với những gam màu tươi sáng. Từ một huyện nông nghiệp, xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay Thanh Oai đã trở thành huyện ngoại thành của thủ đô Hà Nội có nền kinh tế phát triển khá, từng bước tiến lên hiện đại, văn minh, giàu mạnh.

   Trải qua 79 năm (1945 -2024) dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, và 7 thập kỷ xây dựng và phát triển, Thanh Oai có những bước chuyển mình mạnh mẽ với những gam màu tươi sáng. Từ một huyện nông nghiệp, xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay Thanh Oai đã trở thành huyện ngoại thành của thủ đô Hà Nội có nền kinh tế phát triển khá, từng bước tiến lên hiện đại, văn minh, giàu mạnh.

   Quá trình phát triển kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện có thể phân chia thành 3 giai đoạn, gắn với chủ trương của Đảng trong tiến trình lịch sử dân tộc.

   Giai đoạn 1947 - 1975 là một giai đoạn vĩ đại của lịch sử dân tộc, chúng ta đã đánh thắng hai đế quốc thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để bảo vệ nền độc lập dân tộc, thu non sông về một mối. Thời kỳ 1954 - 1975, sau hiệp định Giơnevơ, cùng với toàn miền Bắc, nhân dân Thanh Oai hân hoan mừng giải phóng và bắt tay vào nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo chủ nghĩa xã hội; vừa đẩy mạnh sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển mới, không những tăng diện tích, năng suất, tổng sản lượng mà đang tạo đà đồng đều giữa các vùng sản xuất và giữa các HTX. Tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 58.352 tấn năm 1976. Số lượng trâu bò, lợn, gia cầm đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm. Sản xuất thủ công nghiệp phát triển với tốc độ đều đặn. Toàn huyện đã đưa 99% hộ nông dân vào HTX. Đồng thời, với tinh thần quyết tâm thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, Thanh Oai đã làm tròn vai trò hậu phương lớn, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa chi viện tối đa sức người, sức của cho miền Nam, góp phần quyết định vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

   Giai đoạn 1976 - 1985: Hòa bình được lập lại, đất nước thống nhất, cùng cả nước, huyện Thanh Oai bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai và kế hoạch 5 năm lần thứ 3 để thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Một điểm nhấn trong Giai đoạn này, là Đảng bộ huyện Thanh Oai đã lãnh đạo nhân dân thực hiện đổi mới trong quản lý nông nghiệp theo chỉ thị 100 của Ban Bí thư trung ương đảng, bước đầu mang lại khí thế lao động trong sản xuất nông nghiệp. Đến năm 1986, sản xuất nông nghiệp Thanh Oai đã phục hồi đà phát triển, năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 5 tấn/ha. Một điểm sáng trong lãnh đạo phát triển kinh tế của đảng bộ huyện Thanh Oai đó là năm 1985, đã chỉ đạo thí điểm đổi mới mô hình quản lý kinh tế tại xã Bình Minh, theo mô hình HTX nông công thương tín. Sau một thời gian hoạt động, mô hình HTX Bình Minh đã phát huy được tính năng động trong tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống xã viên được nâng cao. Từ thực tiễn và kinh nghiệm của HTX nông công thương tín xã Bình Minh, Đảng bộ huyện Thanh Oai đã chỉ đạo mở rộng áp dụng mô hình mới ra toàn huyện. Với thành tích xuất sắc trong cải tiến quản lý sản xuất nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, HTX nông công thương tín xã bình minh, huyện Thanh Oai đã vinh dự được quốc hội, nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động.

   Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự nghiệp đổi mới sau gần 40 năm trên quê hương Thanh Oai đã đạt được những thành tựu quan trọng, làm thay đổi diện mạo trên mọi mặt. Đặc biệt từ tháng 8/2008, Thanh Oai được sáp nhập về thủ đô Hà Nội, huyện đã có một vị thế mới là huyện ngoại thành của thủ đô Hà Nội và có điều kiện để phát triển nhanh theo hướng bền vững. Tốc độ đô thị hóa của huyện có bước phát triển rõ nét, với sự hình thành các cụm công nghiệp, khu đô thị và hạ tầng giao thông. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa, các sản phẩm nông sản của người nông dân được công nhận thương hiệu tập thể như Nếp cái hoa vàng Tam Hưng, gạo Bồ Nâu Thanh Văn, cam đường Cao Viên, Kim An, lợn sạch Hoàng Long, Trứng vịt Liên Châu đã và đang phát triển vững chắc mang lại nguồn lợi kinh tế và cuộc sống khá giả cho người dân.

   Hiện tại, Thanh Oai là vùng nông sản trọng điểm của Thủ đô với vùng sản xuất lúa 6.453ha; vùng trồng cây ăn quả 300ha; vùng trồng rau an toàn hơn 100ha; vùng nuôi trồng thủy sản 300ha phát triển theo hướng VietGAP và hữu cơ…Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, sinh thái, thời gian qua, huyện Thanh Oai tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi, mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, Thanh Oai có 12 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, như: Mô hình trồng rau thủy canh tại thị trấn Kim Bài, diện tích 225m2; mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao ở xã Dân Hòa 3,4ha; mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng theo chương trình VietGAP ở xã Hồng Dương, quy mô 30.000 con và xã Liên Châu có quy mô 30.000 con gà đẻ trứng, 10.000 con gà thịt…

   Bên cạnh đó, huyện duy trì và phát triển 3 chuỗi liên kết: Chuỗi thực phẩm an toàn A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước); chuỗi gạo thơm Bối Khê (xã Tam Hưng); chuỗi trứng vịt Liên Châu (xã Liên Châu).

   Huyện cũng đã xây dựng, phát triển 57 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng (52 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao) trên cơ sở sản phẩm truyền thống của địa phương, nâng cao giá trị. Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá đến người tiêu dùng sản phẩm OCOP của huyện, Thanh Oai đã xây dựng các điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại thị trấn Kim Bài, xã Bích Hòa, xã Tam Hưng.

   Trong 2 năm gần đây, đại dịch Covid-19 được coi là thách thức lớn chưa từng có không chỉ của mỗi địa phương mà còn là ở quy mô quốc gia, quốc tế, nhưng Thanh Oai đã khẳng định được ý chí vững vàng, quyết tâm phát triển và tư duy không ngừng đổi mới. Các đối sách với đại dịch của Huyện luôn chủ động, đi trước, đón đầu, thể hiện qua phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”; dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, để từ đó thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân vừa ổn định kinh tế - xã hội, phục hồi các ngành sản xuất, giữ đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới…

   Đến nay, Thanh Oai đã có sự tăng trưởng kinh tế toàn diện của khu vực phía Nam Thành phố, với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 13%; chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt. Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.648 tỷ đồng, đây là năm có số thu cao nhất, đạt trên 1.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 72,1 triệu đồng/người/năm, tăng 17 triệu đồng/người/năm so với năm 2020. Thanh Oai đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Thanh Oai không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

   Mặc dù còn một số hạn chế và những khó khăn, thách thức đang tiếp tục đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Oai, song những thành tựu và kinh nghiệm trong quá trình đổi mới trên quê hương Thanh Oai có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự lãnh đạo của đảng bộ huyện. Đó chính là cơ sở, là động lực để Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo đưa huyện Thanh Oai phát triển toàn diện, ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm đưa huyện tiến tới trở thành quận của thủ đô Hà Nội sau năm 2025.