DU LỊCH THANH OAI DU LỊCH THANH OAI

HTX Mây tre nón lá Tạ Thu Hương “giữ lửa nghề”
Ngày đăng 17/08/2024 | 13:59  | Lượt xem: 413

Sau khi được thành lập HTX mây tre nón lá Thu Hương đi vào hoạt động với quỹ đạo tích cực, mở rộng liên kết sản xuất theo hướng chuyên môn hóa phục vụ quảng bá, du lịch, xuất khẩu… từ đó tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao thu nhập người dân tại địa phương.

Với bước chuyển đa dạng về mẫu mã sản phẩm, nữ nghệ nhân Tạ Thu Hương sinh năm 1968 người con của quê hương nón lá làng Chuông. Một làng nghề lâu đời đôi lúc tưởng chừng như bị mai một do những yếu tố khách quan như thị trường có nhiều mặt hàng mũ vải, do đó nón lá vô hình trung dần mất đi ưu thế bởi nhu cầu của xã hội thay đổi. Nghề làm nón lại có những đặc trưng riêng hầu như phải làm thủ công ở tất cả các công đoạn, đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ, nhưng ngày công lao động thấp khiến nhiều hộ gia đình khó trụ lại mà dần bỏ nghề.

Nhưng với tình yêu nghề, ngấm vào tâm trí của chị Hương ngay từ khi còn nhỏ được cùng bà và mẹ ngồi học khâu nón, tới lúc tự tay mình làm ra được những sản phẩm nón lá của quê hương. Đau đáu với nỗi niềm giữ nghề, chị Hương một phụ nữ năng động, dám nghĩ, dám làm mạnh dạn thay đổi tư duy, tìm thị trường, mở ra hướng đi mới cho chiếc nón lá làng Chuông.

Nữ nghệ nhân Tạ Thu Hương chia sẻ: không chỉ tập trung tìm kiếm thị trường, tạo mẫu mã mới để đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng. Khi có được đơn hàng thì lại phải tính toán thu hút nhân công lao động để tạo ra nguồn sản phẩm đảm bảo về chất lượng, số lượng để kịp bàn giao đúng theo hợp đồng được ký kết. Từ lúc khởi đầu cho đến nay, sản phẩm nón của chị Hương được phát triển liên tục ngày càng hoàn thiện, phù hợp tạo điểm nhấn bắt mắt với thị hiếu của khách hàng.

Những chiếc nón như chứa đựng cả tình yêu non sông Việt Nam. Hiện tại, những chiếc nón của nghệ nhân Tạ Thu Hương đã không còn vẻ thô sơ, đơn giản như ban đầu nữa, mà được đầu tư kỹ lưỡng, chăm chút tỉ mỉ từ hình thức cho đến chất liệu. Từ những chiếc nón trơn trắng, cho đến những chiếc nón phủ lụa với họa tiết hoa văn sắc nét, nhiều màu sắc. Đối với nghệ nhân Tạ Thu Hương, mỗi một chiếc nón đều được chị cùng đội ngũ sản xuất đầu tư nhiều công sức, chất xám. Chị và các nghệ nhân trong làng đã nghiên cứu nhiều cách để vừa hiện đại hóa chiếc nón, vừa kế thừa truyền thống vừa kết hợp nhiều chất liệu, nguyên liệu khác nhau để nâng tầm sản phẩm từ kiểu dáng, chất lượng, mẫu mã đến sự tiện dụng. Chính vì thế, chiếc nón của chị không chỉ để sử dụng trong đời sống sinh hoạt thường ngày, mà trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với những bức tranh, họa tiết được vẽ lên một cách tỉ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết. Thị trường nón lá có nhiều mẫu mã mới để khách hàng lựa chọn đa dạng, phong phú hơn.

Theo nghệ nhân Tạ Thu Hương, Chủ tịch HĐQT HTX Mây Tre Nón Lá Tạ Thu Hương, đến thời điểm hiện tại, số lượng người dân tham gia sản xuất nón tại xã Phương Trung chỉ vào khoảng 40%, số còn lại đã lựa chọn ngành nghề khác với mức thu nhập cao hơn để ổn định cuộc sống.

Với tình yêu nghề truyền thống của cha ông, chị đã chủ động “giữ lửa” làng nghề bằng cách vừa sản xuất vừa thu gom nón của địa phương đi bán. Với tinh thần đó, hiện HTX đang sản xuất 200 mẫu mã sản phẩm khác nhau phục vụ thị trường từ nón truyền thống thế mạnh đến nón dùng xuất khẩu, du lịch, trang trí,… Mỗi tháng, HTX bán ra hàng nghìn sản phẩm, mỗi sản phẩm dao động từ 30.000 đồng đến 200.000 đồng tùy yêu cầu của khách hàng, tập trung chủ yếu ở phân khúc nón truyền thống và các đơn hàng quốc tế. Đến nay, HTX đã có 6 sản phẩm OCOP 4 sao được Nhà nước công nhận, bao gồm nón lá trên lụa, nón lá trắng kỹ đẹp tự nhiên, nón giấy bóng, nón quai thao, nón Thái, nón lá già kỹ đẹp.

Sản phẩm nón Chuông do HTX Mây Tre Nón Lá Tạ Thu Hương sản xuất nói riêng và làng Chuông nói chung đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới như Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia,… để có được những thành công hiện tại, HTX đã chủ động tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm, thu hút khách hàng. Thêm vào đó, HTX cũng tích cực tiếp thị với các công ty truyền thông du lịch để đón khách tham quan trải nghiệm nghề với hy vọng vừa có thể bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống, đảm bảo cho người dân có việc làm ổn định hơn, vừa góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Hiện tại HTX mây tre nón lá điểm du lịch cộng đồng có địa chỉ tại Số 8 ngách 8 xóm Ngõ Cau xã Phương Trung đón lượng khách du lịch về thăm quan trải nghiệm bình quân 30 tour/tháng. Mỗi đoàn có từ 5 đến 20 khách du lịch đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hà Quốc, Anh, Pháp, Bỉ, Ấn Độ…và khách du lịch trong nước như đoàn Câu lạc nữ Doanh nhân Hà Nội…

Từ việc tích cực tham gia lan tỏa thương hiệu tại các sự kiện và chương trình lớn nhỏ, hiện HTX đang tập trung truyền thông, buôn bán trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo…

Tiếp tục những chuyến hành trình mang thương hiệu và sản phẩm quê hương đi quảng bá, tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ…Trong tháng 7 và tháng 8/2024 HTX Mây tre nón lá Tạ Thu Hương đã tham gia vào các hội chợ trưng bày giới thiệu gian hàng, sản phẩm nón lá tại đường hoa Nguyễn Huệ Thành phố Hồ Chí Minh; xúc tiến Thương mại tại thành phố Quy Nhơn và đi hội chợ du lịch tại Công viên Thống nhất Hà Nội…

 

THỜI TIẾT