các bài viết chuyên sâu
Phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp là hướng đi tích cực để đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, góp phần nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương
Ngày đăng: 10:49 09/02/2021 | Lượt xem: 2075
Thanh Oai là “Đất trăm nghề” và đang trong xu thế phát triển mạnh, bên cạnh những những thuận lợi, các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp cũng gặp không ít những khó khăn và thách thức, Vậy làm thế nào để có thể bảo tồn, phát triển làng nghề bền vững? Truyền thống nghề làm Giò Chả, Bánh Chưng của nhân dân xã Tân Ước trong những năm qua đã góp phần tạo sinh kế ổn định cho người dân.
Thuận lợi xen lẫn với khó khăn
Toàn huyện hiện có tổng số gần 100 nghề, trong đó, có 51 làng nghề đã được công nhận thuộc 21 xã thị trấn. Năm 2020, tại xã Tân Ước đạt: Doanh thu sản xuất tiểu thủ công nghiệp,xây dựng, ngành nghề ước đạt 164,5 tỷ đồng, trong đó sản xuất của các làng nghề chiếm khoảng 20% ước đạt 33 tỷ đồng. Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Theo tính toán, thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề ở mức từ 4 đến 6 triệu đồng/lao động/tháng.
Sản phẩm Giò chả Ước Lễ
Đáng chú ý, tại các làng nghề đã và đang xuất hiện những doanh nghiệp có quy mô lớn, mô hình sản xuất nhỏ lẻ hộ gia đình có chiều hướng giảm, thay vào đó là doanh nghiệp và hợp tác xã có xu hướng phát triển. Tỷ trọng của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng lên, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống. Phát triển làng nghề đã gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua hệ thống, tổ chức sản xuất và phân công lao động tại các làng nghề tương đối hợp lý. Các hình thức sản xuất kinh doanh phong phú, đa dạng và chuyên nghiệp hơn. Trên địa bàn đã hình thành doanh nghiệp thương mại sản xuất làm nòng cốt, có tác dụng mở rộng thị trường cho các sản phẩm làng nghề, góp phần tăng khối lượng hàng hóa, hoạt động dịch vụ du lịch của xã, huyện. Sản phẩm Giò Chả, Bánh Chưng đã được nhiều người dân cả nước và du khách nước ngoài biết đến và tin dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện nói chung, xã Tân Ước nói riêng còn gặp khó khăn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề còn bấp bênh, trải qua khâu trung gian, sức cạnh tranh của các sản phẩm kém, thường bị ép giá trên thị trường. Công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm của làng nghề chưa mạnh, việc tiếp cận các nguồn vố vay hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước còn khó khăn.
Cơ sở hạ tầng, mặt bằng của các cơ sở sản xuất chật hẹp, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, như: Giao thông, hệ thống điện ở một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, hệ thống cấp thoát nước còn chưa đồng bộ… Tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước, không khí, tiếng ồn gia tăng do sản xuất xen lẫn với sinh hoạt. Một số làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch còn hạn chế về mặt bằng để xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe…
Vai trò của làng nghề trong quá trình xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, làng nghề truyền thống đóng vai trò rất quan trọng. Người nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp thường theo mùa vụ nên thường xuyên có những thời gian nhàn rỗi dẫn đến dư thừa sức lao động. Trong lúc nhàn rỗi, người nông dân có thể tham gia vào sản xuất các sản phẩm truyền thống, không những sức lao động sẽ được sử dụng hiệu quả mà việc sản xuất còn tăng thu nhập cho các hộ gia đình, đảm bảo đời sống. Hơn nữa, các ngành nghề truyền thống không kén chọn lao động nên mọi người đều có thể tham gia vào sản xuất.
Quá trình sản xuất các sản phẩm của làng nghề đã tận dụng một cách tối đa các yếu tố về vốn, lao động, kỹ thuật của từng hộ gia đình. Tất cả mọi thành viên trong gia đình đều có thể tham gia sản xuất các mặt hàng truyền thống. Nhờ đó mà những ngành nghề ông cha để lại không bị mai một, ngược lại ngày càng phát triển đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.
Theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, việc phát triển làng nghề sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu là sản phẩm của ngành nông nghiệp hoặc công cụ sản xuất làm tăng khả năng tích lũy vốn và kỹ thuật, hỗ trợ cho nông nghiệp, công nghiệp và các loại hình dịch vụ khác ở nông thôn phát triển. Các vùng nông thôn chủ yếu là cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chiếm hơn một nửa. Chính vì thế, nếu làng nghề phát triển sẽ trở thành trung tâm kinh tế cho địa phương, thúc đẩy quá trình nông thôn mới, động viên người dân tích cực xã hội hóa xây dựng hạ tầng nông thôn .
Xuất phát từ vai trò và thực trạng trên cần có giải pháp bảo tồn thiết thực phát triển làng nghề:
Trong thời gian qua, huyện Thanh Oai đã có những định hướng cụ thể, như: tuyên truyền, chỉ đạo, hỗ trợ các làng nghề tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Khôi phục, bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống, xuất bản cuốn Du Lịch Thanh Oai quảng bá sản phẩm kết hợp phát triển làng nghề với du lịch; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn và đầu tư xử lý môi trường tại các làng nghề để đảm bảo phát triển bền vững…
Để bảo tông và phát triển làng nghề, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp cơ bản. đó là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là người dân ở các làng nghề về giá trị văn hóa, kinh tế của làng nghề. Bởi nhiều giá trị văn hóa của làng nghề thủ công truyền thống dần bị mai một, bí quyết nghề nghiệp bị thất truyền cùng với sự ra đi của các nghệ nhân lớn tuổi. Những ý nghĩa văn hóa truyền thống của mỗi sản phẩm không được các thế hệ sau tiếp thu và phát huy một cách đúng mức sẽ dẫn đến mất bản sắc nghề. Thậm chí, còn có xu hướng thương mại hóa, chỉ hướng tới mục tiêu lợi nhuận làm cho giá trị văn hóa của sản phẩm thủ công truyền thống bị suy giảm, thương hiệu của làng nghề bị phai mờ. Ngoài ra, các phòng, ban ngành của huyện cần xem xét kỹ và nắm vững được những đặc thù của làng nghề thủ công truyền thống để tham mưu với các cấp ban hành chính sách, đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, phục hồi và phát triển các làng nghề trong huyện.
Trong các làng nghề thủ công thường tồn tại hai loại hoạt động sản xuất chính là hoạt động nông nghiệp và hoạt động phi nông nghiệp, ngoài các loại hoạt động sản xuất cơ bản nói trên, trong các làng nghề còn xuất hiện thêm loại hình dịch vụ du lịch sinh thái. Là một loại hình di sản văn hóa có tính liên ngành và có quan hệ mật thiết với đời sống sinh hoạt hằng ngày, cho nên hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện chỉ có thể hiệu quả khi giải quyết vấn đề hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Sản phẩm làm ra vừa phải chứa đựng những yếu tố văn hóa truyền thống, tiếp thu những tinh hoa cổ truyền vừa phải đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của xã hội hiện đại.
Do đó, việc đánh giá đúng vị trí, vai trò của làng nghề thủ công, từ đó đề xuất những chủ trương, chính sách phù hợp, có tính liên ngành không những giúp cho việc hỗ trợ cho nghề thủ công phát triển một cách bền vững mà còn góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển ổn định kinh tế, xã hội của Thanh Oai.
Chính vì thế, trong chương trình xây dựng nông thôn mới phải có những giải pháp cho làng nghề, trước hết tháo gỡ khó khăn về kinh tế, về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng chí Nguyễn Đức Toàn
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Ước
các tin khác
- Tích cực đổi mới, tạo những chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng và phát triển Đảng trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp
- Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Kim Thư lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025
- Đại hội Đảng bộ công an huyện lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025
- Đại hội Đảng bộ bệnh viện huyện Thanh Oai lần thứ V nhiệm kỳ 2020-2025
- Đảng bộ xã Liên Châu tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Đại hội Đảng bộ xã Tân Ước lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025
- Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại huyện Thanh Oai
- Thanh Oai kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020)
- Thanh Oai tổng kết công tác Văn hóa, thông tin và thể thao năm 2019
- Công an huyện Thanh Oai tổng kết công tác năm 2019 phát động phong trào thi đua năm 2020