các bài viết chuyên sâu
Hiệu quả từ việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Ngày đăng: 09:17 16/05/2018 | Lượt xem: 11268
Trong những năm gần đây, bằng nhiều phong trào thi đua thiết thực, nhiều giải pháp sáng tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống cho chị em. Thông qua đó nhằm thu hút, tập hợp đông đảo hội viên, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới.
Các cấp Hội LHPN trong huyện đã tập trung chỉ đạo, thực hiện khâu đột phá "Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm giảm nghèo bền vững"; quán triệt và nhận thức sâu sắc chủ trương xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức hội phụ nữ. Hằng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã có kế hoạch chỉ đạo các cấp hội phụ nữ đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là phong trào giúp hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Trong chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo được lồng ghép với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội đã chủ động rà soát, nắm địa chỉ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, xác định rõ nguyên nhân đói nghèo, phân công cán bộ, hội viên phụ nữ có biện pháp vận động giúp đỡ hộ nghèo theo địa bàn khu dân cư; đồng thời coi trọng việc hướng dẫn các gia đình hộ nghèo xây dựng kế hoạch trong sản xuất chăn nuôi, sử dụng đúng mục đích vốn vay và phân công lao động hợp lý trong mỗi gia đình để vươn lên thoát nghèo.
Để thực hiện hiệu quả việc vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm giảm nghèo bền vững, hằng năm Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo lồng ghép với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của phụ nữ và nhu cầu của các đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, các cấp Hội đã tiến hành phân loại hộ nghèo theo từng nguyên nhân để có các giải pháp tác động phù hợp, thiết thực với từng nhóm đối tượng, trong đó vừa chú trọng tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại, vừa vận động hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau về vốn, ngày công, khoa học kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm và kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình… Bên cạnh đó, các cấp Hội còn thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động tiếp cận, khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ tại địa phương. Hiện Hội phụ nữ các cấp trong huyện đang quản lý tốt nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội với dư nợ trên 143 tỷ đồng cho hơn 7000 hộ vay phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn hỗ trợ trên 300 thành viên phụ nữ nghèo vay từ Quỹ tiết kiệm tại chi của các chi hội.
Những năm trước đây, gia đình chị Trịnh Thị Phương ở thôn Khúc Thủy, xã Cự Khê còn gặp nhiều khó khăn nên vợ chồng chị phải đi làm ăn xa để cải thiện cuộc sống nhưng thu nhập cũng không mấy ổn định. Một lần tình cờ được người quen cho đi xem mô hình, thấy rất nhiều xưởng may tư nhân mở ra tạo việc làm cho nhiều lao động là chị em phụ nữ, chị Phương đã nhen nhóm ý tưởng mở một xưởng may tại xã nhà. Đem những trăn trở của mình chia sẻ với chị em trong Hội phụ nữ xã, chị Thương được vay 50 triệu đồng từ nguồn vay xóa đói giảm nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội, cùng với các nguồn vay của chi hội thôn Khúc Thủy, gia đình anh em bạn bè, chị Phương có được số vốn 200 triệu đồng để đầu tư mua máy móc, tuyển công nhân may. Sản phẩm của chị là may quần áo cho người lớn và trẻ em bán cho các hãng thời trang. Đến nay xưởng may của gia đình chị có tổng số 15 máy may, tạo việc làm cho 20 lao động nữ trong xã, thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hàng năm đạt trên 500 triệu đồng.
Cùng với các hoạt động giúp phụ nữ về vốn, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ có những tư duy mới, cách làm mới trong lao động, sản xuất, mạnh dạn tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; tập trung khai thác các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập. Ngoài ra, hằng năm các cấp Hội đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề truyền thống, dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ như: may công nghiệp, trồng rau an toàn, trồng lúa chất lượng cao, chăn nuôi thú y, trồng cây ăn quả,... cho hàng nghìn hội viên. Từ các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế của các cấp Hội phụ nữ đã tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đến cuối năm 2017, đã có trên 1000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ về vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.
Với nhiều cách làm sáng tạo, Hội LHPN huyện trở thành chỗ dựa vững chắc của phụ nữ trong phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân, tương ái. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, hội viên phụ nữ, giúp chị em từng bước nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của huyện.
Hội LHPN huyện