các bài viết chuyên sâu
THANH OAI ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Ngày đăng: 16:31 20/12/2016 | Lượt xem: 57568
THANH OAI ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Thanh Oai, là một trong những huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội. Trong những năm qua, huyện Thanh Oai đã tích cực thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo (XĐGN) và thu được một số kết quả bước đầu quan trọng. Từ 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân hàng năm từ 2 - 3%. Tuy nhiên, số hộ nghèo của huyện hiện còn 2.058 hộ, hộ cận nghèo còn 1.538 hộ. Việc xóa đói giảm nghèo đã được huyện thực hiện nhiều năm qua và theo các chương trình XĐGN của Nhà nước, nhưng nguy cơ tái nghèo rất có khả năng diễn ra, đời sống nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Công tác xóa đói giảm nghèo đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm và đã được đưa vào Nghị quyết hàng năm, trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và được tổ chức thực hiện với những nội dung giải pháp cụ thể từ huyện đến các xã, thị trấn. Các chương trình xóa đói giảm nghèo tại huyện Thanh Oai luôn được quan tâm chỉ đạo sâu sát và có hiệu quả trong từng giai đoạn. Việc giảm nghèo thể hiện rất thiết thực qua việc áp dụng các chính sách, chế độ do Nhà nước, Thành phố, huyện ban hành để giúp đỡ trực tiếp cho người nghèo như: Chương trình xóa nhà dột nát, Đề án giảm nghèo; chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; hướng dẫn người nghèo cách làm ăn thông qua dự án khuyến nông, khuyến ngư; chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo; chương trình hỗ trợ điện nước sinh hoạt; chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục; chính sách bổ trợ xã hội...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn bộ lộ một số vấn đề hạn chế trong hoạt động giảm nghèo bền vững của huyện như:
Một là, Một số xã, thị trấn chưa tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Hai là, Quá trình giảm nghèo ở từng địa phương, cơ sở có thời điểm chưa gắn liền với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chưa chủ động phối hợp, lồng ghép chương trình giảm nghèo với các chương trình kinh tế - xã hội khác của địa phương để đảm bảo tính đồng bộ và bền vững.
Ba là, tuy huyện đã hoàn thành mục tiêu giảm, với tốc độ giảm nghèo tương đối cao, trong đó có những xã, thị trấn đạt vượt mục tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, số hộ nghèo đã vượt chuẩn nghèo huyện, nhưng giá trị thực tế thu nhập đã và đang bị giảm sút, nguy cơ tái nghèo cao, hiệu quả giảm nghèo chưa thật sự ổn định và bền vững.
Bốn là, Giải pháp dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nghèo có chuyển biến tích cực hơn nhưng còn nhiều địa phương chưa chủ động triển khai các phương thức đào tạo nghề phù hợp, lao động nghèo tham gia học nghề vẫn còn thấp so với chính sách khuyến khích và những nguồn lực thành phố, huyện đầu tư.
Năm là, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo còn nảy sinh nhiều những thiếu sót, tồn tại.
Sáu là, lực lượng cán bộ làm công tác giảm nghèo nhất là ở cấp phường, xã, thị trấn thiếu ổn định, nhân sự thường xuyên thay đổi. Chưa làm tốt việc tìm hiểu sâu sát và nắm đầy đủ những thông tin, tâm tư nguyện vọng của người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo,
Bảy là, còn tồn tại những trường hợp hộ nghèo không có ý thức tự vươn lên, còn ỷ lại trông chờ vào trợ giúp của Nhà nước, của cộng đồng xã hội, thậm chí có trường hợp không muốn ra khỏi chương trình mặc dù đã có thu nhập cao hơn mức chuẩn cận nghèo của huyện.
Xác định đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo, hạn chế phân hoá giàu nghèo là nhiệm vụ trọng điểm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đang là vấn đề đặt ra cho huyện Thanh Oai trong tiến trình hội nhập và phát triển. Từ đó cần phải thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác giảm nghèo của huyện, của Thành phố trong giai đoạn hiện nay:
Đây là nội dung lớn đồng thời là giải pháp quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giảm nghèo của huyện Thanh Oai hiện nay, bởi có nhận thức đúng mới có hành động đúng đắn, thống nhất, mang lại hiệu quả cao.
Thực hiện giải pháp này cần chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, đổi mới, nâng cao hiệu quả giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện công tác giảm nghèo.
Hai là, đa dạng hóa các hình thức, phương tiện tuyên truyền.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Thực tiễn công tác giảm nghèo những năm qua cho thấy, huyện Thanh Oai triển khai rất tốt các giải pháp, tạo điều kiện hỗ trợ cho người nghèo. Tuy nhiên, một số giải pháp thực hiện hiệu quả chưa thực sự bền vững. Do đó, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian tới huyện Thanh Oai cần tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh triển khai đồng bộ các chính sách tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, vươn lên tự thoát nghèo, đồng thời có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Cụ thể là:
Về huy động vốn cho người nghèo: Tiếp tục tăng cường huy động và phát huy có hiệu quả việc khai thác sử dụng các nguồn quỹ.
Về chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm: Tập trung công tác khảo sát, cập nhật về nhu cầu việc làm và học nghề của thành viên hộ nghèo, cận nghèo để tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Về chính sách an sinh xã hội cho các hộ nghèo: Tổ chức cập nhật thường xuyên thực trạng và nhu cầu hộ nghèo để thực hiện tốt, kịp thời các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, cận nghèo. Tập trung tuyên truyền các chế độ về Bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ học bổng, hỗ trợ cải thiện nhà ở, trợ giúp pháp lý, trợ cấp xã hội,... đến từng hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định.
Về y tế, chăm sóc sức khỏe: Tăng cường thực hiện các chính sách thích hợp và hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, hộ nghèo;
Đẩy mạnh việc kết hợp chăm sóc sức khỏe với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đồng thời nâng cao chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản.
Về giáo dục: Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và trình độ nghề nghiệp cho người nghèo là một trong những biện pháp trọng tâm của quá trình phát triển và mang tính quyết định đối với chương trình giảm nghèo.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí và tiền cơ sở vật chất nhà trường cho học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo
Hỗ trợ học bổng từ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ khuyến học và các Quỹ xã hội, từ thiện khác cho học sinh nghèo vượt khó - học giỏi hàng năm. Tập trung thực hiện các biện pháp hạn chế thấp nhất trường hợp con em hộ nghèo trong độ tuổi phải bỏ học hoặc nghỉ học vì lý do mưu sinh của gia đình. Có chính sách khuyến khích và tạo cơ hội cho thanh niên nghèo học tập (văn hóa và học nghề) và tìm việc làm; tổ chức đào tạo nghề mới cho những người thất nghiệp hoặc chuyển đổi nghề, nhất là lao động nghèo.
Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo: Tiếp tục thực hiện chính sách xây dựng nhà tình thương, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở. Đẩy mạnh thực hiện cho vay vốn để người nghèo tự sửa chữa nhà.
Về chương trình trợ giúp pháp lý cho người nghèo: Mở rộng mạng lưới trợ giúp pháp luật để người nghèo có thể tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp luật. Khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo để thường xuyên và kịp thời phổ biến những quy định của pháp luật, chính sách của nhà nước giải đáp, tư vấn về pháp luật cho người nghèo.
Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường: Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay vốn xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh tự hoại, hầm biogaz.
Chính sách ưu đãi về thuế và miễn giảm các khoản đóng góp cho hộ nghèo: Rà soát và kiến nghị Trung ương có chính sách miễn hoặc giảm thuế hợp lý cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có dự án hỗ trợ tạo việc làm cho người nghèo, hộ nghèo; đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ của hộ nghèo đề nghị được miễn thuế hai năm đầu và giảm 50% cho từ một đến hai năm tiếp theo và miễn hoặc giảm một tỷ lệ nhất định các khoản đóng góp ở địa phương; thực hiện chính sách miễn. giảm tiền thuế sử dụng đất cho hộ nghèo trong thực hiện thủ tục hợp thức hóa nhà đất.
Thứ 3, Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng tham gia giảm nghèo.
Đây là giải pháp cơ bản, giữ vai trò chủ đạo bảo đảm cho nhận thức và hành động của các tổ chức, các lực lượng tham gia xóa đói, giảm nghèo được đúng đắn, đạt hiệu quả cao nhất. Để thực hiện giải pháp này, cần triển khai các biện pháp cụ thể sau:
Một là, Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong công tác giảm nghèo.
Hai là, Tăng cường, đổi mới hoạt động giảm nghèo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (Ban vận động Vì người nghèo), phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau thực hiện mục tiêu làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Trung Ương Hội nông dân Việt Nam phát động và các tổ chức đoàn thể với nhiều hình thức đa dạng và thiết thực.
Ba là, xây dựng cơ chế phối hợp, phát huy vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân đóng quân trên địa bàn tham gia thực hiện công tác giảm nghèo.
Thứ 4, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện công tác giảm nghèo của huyện:
Trước yêu cầu mới của công tác giảm nghèo, thời gian tới huyện Thanh Oai cần quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách. Cụ thể:
Một là, Tăng cường củng cố kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tổ chức thực hiện; tiếp tục bổ sung chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở; tổ chức đối thoại về chính sách, xác định nhu cầu và năng lực tham gia của người dân; tổ chức trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương và với các huyện, quận và tỉnh, thành khác khác về giảm nghèo.
Hai là, Thường trực Ban giảm nghèo, tăng hộ khá huyện tập trung tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp của Chương trình, đẩy mạnh và đa dạng các hoạt động kiểm tra giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện.
Ba là, Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo xã, thị trấn nắm chắc các chính sách của Chương trình và thực trạng của hộ nghèo để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Thường xuyên củng cố Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo xã, thị trấn.
Tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền nhằm làm chuyển biến ý thức từng hộ nghèo tự nỗ lực, vượt khó vươn lên; đảm bảo quy trình công khai, bình đẳng đối với số hộ có khả năng vượt chuẩn nhưng không kê khai đúng mức thu nhập hoặc số hộ nghèo lười lao động, còn ỷ lại vào chương trình.
Định kỳ 6 tháng, hàng năm, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động của Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá nhằm tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh nội dung, các giải pháp thực hiện Chương trình đảm bảo hiệu quả cao, mang tính bền vững.
Thứ năm, tạo lập văn hóa làm giàu, quyết tâm xóa đói giảm nghèo trong mọi tầng lớp nhân dân và xây dựng các gương điển hình tiên tiến trong xóa đói giảm nghèo.
Văn hóa là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của mỗi cá nhân, tổ chức và quốc gia, nó quyết định sự thành công hay thất bại của mỗi chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước ta. Chính sách giảm nghèo không nằm ngoài nguyên tắc này.
Để tạo lập văn hóa làm giàu, quyết tâm giảm nghèo trong mọi tầng lớp nhân dân cần tập trung vào các vấn đề sau:
Một là, phát triển phong trào giảm nghèo rộng khắp trong tất cả các đối tượng trên địa bàn , theo hướng kết hợp giữa đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước và các dịch vụ do cơ quan nhà nước cung ứng với việc mở rộng xã hội hóa , tạo các diều kiện thuận lợi để nhân dân chủ động tham gia giảm nghèo với hình thức tự nguyện. Đa dạng hóa các mô hình giảm nghèo ở cơ sở, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Hai là, tạo động lực giảm nghèo, hướng tới làm giàu cho người nghèo.
Ba là, tăng cường xây dựng gương “người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo.
Việc đánh giá đúng thực trạng nghèo và tiến hành các hoạt động giảm nghèo là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, đồng thời là vấn đề cấp thiết cần quan tâm giải quyết để từng bước thực hiện thắng lợi công cuộc CNH - HĐH đất nước định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng, nhà nước và nhân dân ta đã lựa chọn./.
| Nguyễn Thị Hồng Chuyên |
| Chuyên viên Hội nông dân huyện Thanh Oai |