Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách hồ chí minh
Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm.
Ngày đăng: 08:47 22/04/2014 | Lượt xem: 2920
Theo Hồ Chí Minh, đạo đức không phải là đạo đức tu thân mà là đạo đức dấn thân, có nghĩa là đạo đức gắn liền với hành động. Nói về đạo đức phải gắn liền với thực hành đạo đức, và phải có hiệu quả, một người làm việc gì cũng không có hiệu quả, thì không thể coi là một người có đạo đức. Theo Người, “nói đi đôi với làm” là nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong xây dựng nền đạo đức mới. Đối với mỗi người, lời nói phải thống nhất việc làm và được thực hiện nghiêm túc thì mới đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân và cho xã hội. Nói đi đôi với làm không đơn thuần là phương châm và cách thức tu dưỡng đạo đức mà còn là cơ sở để phân biệt giữa đạo đức cách mạng với những thứ đạo đức khác. Nói mà không làm là đặc trưng của giai cấp bóc lột, kiểu mệnh lệnh ép buộc, gian trá: “Hãy làm theo tôi nói, đừng làm theo tôi làm” hay “nói một đằng, làm một nẻo”của những kẻ cơ hội. Trái lại, luôn tu dưỡng rèn luyện và phấn đấu “lời nói đi đôi với việc làm” là đạo đức của người cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sáng còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.
Hồ Chí Minh dạy: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho những đồng chí đó. Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính”. Trong công việc, bản thân Người đã nhiều lần bàn đến việc tẩy sạch căn bệnh quan liêu, coi thường quần chúng của một số cán bộ, đảng viên:“miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực về nói đi đôi với làm, bởi theo Người, muốn giáo dục mọi người phải nêu gương trước của mình đã, sau đó mới giáo dục bằng lời nói. Ở Người luôn sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và thực hành đạo đức, nêu gương thực hành đạo đức nhiều hơn những điều Người nói, hơn nữa, có những vấn đề đạo đức Người không nói mà chỉ làm. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước nhà vừa giành được độc lập, đứng trước nạn đói, Bác kêu gọi đồng bào diệt “giặc đói” bằng hành động cụ thể, “mười ngày nhịn ăn một bữa”, (mỗi bữa 1 bơ), để lấy số gạo đó cứu những người bị đói và chính Người đã làm gương thực hiện trước. Câu chuyện mà đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi còn sống, mỗi lần kể lại đều rút khăn tay lau nước mắt: “Một buổi chiều, đúng vào ngày nhịn một bữa để cứu đói, gần cuối giờ làm việc, Văn phòng báo cáo Bác có khách. Người đã tổ chức bữa tiệc để thết đãi khách. Tiệc xong, Bác về. Người mời đồng chí quản lý Văn phòng đến. Đồng chí quản lý hết sức ngạc nhiên, không hiểu tại sao giờ này Bác còn cho gọi tới. Khi đồng chí quản lý tới, Bác nói cho Người xin một bơ gạo. Đồng chí quản lý hiểu ý là chiều nay cả cơ quan nhịn ăn, trong đó có Bác. Nhưng Bác giải thích là Người đã đi dự tiệc. Người chưa làm nghĩa vụ nhịn ăn như mọi người buổi chiều, nên bữa sáng mai, Người thực hiện nghĩa vụ, bù cho buổi chiều nay. Bơ gạo này, Người yêu cầu giao ngay cho cơ sở nấu cháo từ thiện (Lúc đó, đồng bào đói ở nhiều nơi dồn về Hà Nội để mong kiếm được miếng ăn, dù ít ỏi. Nồi cháo từ thiện được tổ chức ở một số giao lộ nhằm cứu đói).” Một chuyện rất nhỏ, nhưng cho thấy sự nghiêm túc thực hành đạo đức của một nhân cách lớn, luôn luôn lời nói đi đôi với việc làm, có sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Bác.
Hồ Chí Minh từng dạy: “Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần kiệm trước đã. Trước hết mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương cả về 3 mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó”…Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý. Rồi khi kêu gọi toàn dân tập thể dục, Người cũng khẳng định: “Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng cố gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào cũng tập”. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “miệng nói, tay phải làm” là yêu cầu bắt buộc, là một nguyên tắc nhất quán trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Người. Chính với tấm gương đó mà trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ của thời kỳ hoạt động bí mật, trong kháng chiến chống Pháp, Người đã thu hút, đã lôi cuốn được hàng triệu triệu cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân lao động đi theo mình đứng lên xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của đồng bào. Người nói “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”. Cho đến khi qua đời, Người còn viết trong Di chúc “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Cả cuộc đời của Người là minh chứng cảm động cho sự nhất quán giữa nói và làm, kiên trì thực hành đạo đức, Người đã để lại cho dân tộc ta một tấm gương sáng ngời về đạo đức của một vị lãnh tụ thực sự của nhân dân. Sở dĩ Hồ Chí Minh trở thành một nhà đạo đức chân chính, một tấm gương đạo đức tuyệt vời, là vì suốt đời Người không ngừng tự hoàn thiện mình theo lý tưởng Chân, Thiện, Mỹ; nêu gương từ việc lớn đến việc nhỏ, thực sự nhất quán giữa đời công và đời tư, giữa đạo đức cách mạng với đạo đức hàng ngày.
Trong xã hội mới, với trình độ giác ngộ và dân trí ngày càng cao, không phải cứ nghe cán bộ nói là quần chúng sẽ làm theo mà họ xem việc cán bộ làm thế nào. Tấm gương của các thế hệ trước đối với các thế hệ sau, của cán bộ đảng viên đối với nhân dân rất quan trọng, nhất là trong việc giáo dục, bồi dưỡng về đạo đức cách mạng. Chính vì vậy, với một Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người kiên quyết đấu tranh chống nguy cơ xa rời quần chúng, dẫn đến thoái hóa biến chất của một đảng cầm quyền. Người chủ trương “Lấy người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau, là một trong những cách làm tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Cán bộ, đảng viên phải xông xáo, nhiệt tình, sâu sát nhân dân, gương mẫu và dám chịu trước nhân dân cả về lời nói và việc làm; phải luôn quyết tâm, bền bỉ, chịu đựng gian khổ, quan tâm và tìm mọi cách giải quyết kịp thời, hiệu quả những nhu cầu bức thiết mà nhân dân đặt ra, phấn đấu vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội không phải ở lý tưởng cao xa mà trước hết, cụ thể và trực tiếp là ở những người cộng sản ưu tú bằng tấm gương sống và hành động của mình chiến đấu cho lý tưởng đó thành hiện thực. Làm suy giảm niềm tin của quần chúng không phải ở những sai lầm, yếu kém và thất bại tạm thời khó tránh khỏi trên con đường cách mạng mà chủ yếu ở sự sa sút, thoái hóa đạo đức của cán bộ, đảng viên, những người được mệnh danh là "những chiến sĩ tiên phong" của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: Muốn thực sự làm người lãnh đạo, người chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải hết sức giữ gìn và nêu gương về mặt đạo đức. Đối với mỗi người để thực hiện được việc thống nhất giữa lời nói với hành động, lời nói đi đối với việc làm là điều không dễ, nó đòi hỏi cần phải có sự cố gắng, bền bỉ và một quyết tâm cao, bởi bất kỳ công việc nào, nhiệm vụ gì, dù lớn hay nhỏ, khó hay dễ, phức tạp hay giản đơn, nhưng nếu không ra sức phấn đấu thì cũng không thể thành công được. Với cán bộ, đảng viên và những người lãnh đạo thì lời nói với việc làm lại càng quan trọng và cần thiết, vì cán bộ là gốc của mọi công việc, là những tấm gương để quần chúng noi theo. Vì vậy, tấm gương “lời nói đi đôi với việc làm” của mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay bằng những việc làm tốt, dù nhỏ nhưng thiết thực, hiệu quả có ích cho sự nghiệp chung, cho nhân dân, là đòi hỏi cấp bách đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay. Yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo các cấp đến công chức cơ sở đều phải nêu gương về đạo đức, lối sống lành mạnh, phải đi đầu trong việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, không chỉ trong xã hội mà cả trong gia đình riêng của mình.
Năm 2014, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện NQTW4 (khóa XI): "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm có ý nghĩa rất to lớn và là việc làm cần thiết, là nhân tố cơ bản, quan trọng nhất để chúng ta cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng; tạo bước chuyển biến mới, khí thế mới trong xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.